"Lao động chân tay mà cũng bày đặt “xì-trét”!

Nguyên văn câu trả lời của bà giám đốc công ty tôi là vậy sau khi đọc qua lá đơn kiến nghị của công nhân về việc giảm tăng ca; tăng thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí để không bị “xì-trét”...

Công ty của chúng tôi có lẽ là một trong không nhiều doanh nghiệp mà đến giờ này đã có đơn hàng cho năm 2016. Chính vì vậy, theo lệnh giám đốc, phòng điều hành sản xuất đã lên kế hoạch làm việc cho cả năm. Theo đó, công ty không tuyển thêm lao động mà số lao động hiện hữu phải tăng thời gian làm việc. Bù lại công ty sẽ tăng phụ cấp, tăng định suất ăn giữa ca, bồi dưỡng nặng nhọc độc hại...

“Năm ngoái đã làm đến 29 Tết mới nghỉ, anh em áp lực lắm rồi; cứ tưởng năm nay tình hình sẽ khá hơn, không ngờ Tết vô nhìn cái lịch sản xuất đã muốn xỉu”- một chị chuyền trưởng la lên.
Lao động chân tay mà cũng bày đặt “xì-trét”!

Ngay lập tức, công nhân lao xao phản đối. Họ bảo sức khỏe là quý nhất, tiền bạc bao nhiêu cũng không đủ, làm cho cố rồi mai mốt kiệt sức, bệnh tật, chỉ có gia đình là bị thiệt hại. Một anh quản lý sản xuất khác cũng lên tiếng: “Anh em công nhân là con người chớ đâu phải cái máy mà chạy hoài không biết mệt? Mà nói thiệt, máy móc cũng còn được bảo trì, còn khấu hao, còn sức công nhân đâu phải là vô hạn? Làm như vậy, anh em bị stress, phản ứng hay có những hành vi không kiểm soát được thì hậu quả khó lường”.

Cuối cùng mọi người thống nhất sẽ làm bản kiến nghị gửi ban giám đốc, đề nghị... được nghỉ ngày chủ nhật; được từ chối tăng ca khi... hết xí quách, được nghỉ phép năm đúng quy định và nghỉ việc riêng khi có nhu cầu... Ngoài việc sản xuất trong nhà máy, công ty cũng nên dành thời gian tổ chức cho công nhân vui chơi, học hành, đọc sách báo, tìm hiểu pháp luật để nâng cao đời sống tinh thần.

Cuối cùng của bản kiến nghị viết rằng: “Nhìn thấy cái lịch sản xuất, chúng tôi bị stress lắm rồi giám đốc ơi. Nếu chỉ có ăn và làm việc thì chúng tôi chẳng phải là con người”.
Lao động chân tay mà cũng bày đặt “xì-trét”!
Khi chúng tôi chuyển lá đơn của công nhân đến cho giám đốc thì bà mặt xưng, mày xỉa: “Có công ty nào mà thu nhập bình quân của công nhân 7-8 triệu đồng mỗi tháng như công ty này không? Có công ty nào bảo đảm việc làm quanh năm, suốt tháng cho công nhân như công ty này không? Có công ty nào mà giám đốc xuống tận nhà ăn kiểm tra từng bữa ăn cho công nhân như công ty này không? Có công ty nào không trễ lương công nhân dù chỉ một ngày như công ty này không?....”.

Sau khi sổ một tràng, bà giám đốc “chốt” lại: “Lao động chân tay mà cũng bày đặt xì-trét!”.

Đến lúc này thì tôi thấy lo sợ thật sự vì công nhân chưa bị stress thì sếp tôi đã căng như dây đàn rồi. Công nhận là bà giám đốc của tôi rất thương và lo cho công nhân nhưng cái cách ăn nói bổ bả của bà đã mấy lần khiến công nhân lãn công. Đâu phải cứ thương và lo rồi bạ đâu nói đó, xem thường người ta như vậy?

Thế nhưng giang sơn dễ đổi, còn tính tình như giông, như bão của bà giám đốc công ty tôi thì làm sao mà sửa đổi được đây? Làm sao để giám đốc của tôi hiểu rằng bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể stress khi bị áp lực quá nặng chứ không riêng gì những người làm việc trí óc? Và những người công nhân kia, khi bị stress, họ sẽ còn khó kiểm soát hành vi hơn cả những người quản lý, lãnh đạo?
Theo Báo Người lao động