Lãnh đạo xin nghỉ sớm 10 năm: "Cố ngồi lại để lớp trẻ phải đi thì không ổn"
(Dân trí) - Lãnh đạo một đơn vị thuộc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết, theo Nghị định 178, việc xin nghỉ hưu sớm là phù hợp với ông và gia đình. Còn gần 10 năm công tác nhưng ông chấp nhận chuyển dịch công việc.
Ông Trần Viết Ty, Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thanh Hóa, là một trong 27 cán bộ thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi.
"Là cán bộ đảng viên, tôi phải nêu gương. Nghiên cứu về chế độ chính sách hỗ trợ theo Nghị định 178, tôi thấy phù hợp với bản thân và gia đình. Tôi còn sức khỏe, dù là xin về hưu thì vẫn còn làm việc được. Chuyển dịch lao động lần này, dù làm việc trong hay ngoài nhà nước tôi cũng phải tiếp tục cố gắng", ông Ty nói.
![Lãnh đạo xin nghỉ sớm 10 năm: Cố ngồi lại để lớp trẻ phải đi thì không ổn - 1 Lãnh đạo xin nghỉ sớm 10 năm: Cố ngồi lại để lớp trẻ phải đi thì không ổn - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/c42xhE54swAcadoyIbwVw4dsW18=/thumb_w/1020/2025/02/08/z62984975865561e56a3ed45414b6d96a48fb0edeb790b-1738994375866.jpg?watermark=v1)
Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).
Theo ông Ty, 27 năm công tác trong ngành, từng đảm nhiệm nhiều vị trí công việc, ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Đây là tiền đề để khi nghỉ hưu ông có thể tiếp tục tham gia vào các công việc ngoài nhà nước.
"Cả nước thực hiện tinh gọn bộ máy mà mình cố ngồi lại, để lớp trẻ phải ra đi thì không ổn. Phải tạo điều kiện cho lớp trẻ phấn đấu, cống hiến. Khi không làm công việc nhà nước nữa, tôi thấy vẫn còn rất nhiều việc mà bản thân có thể làm được. Tôi tốt nghiệp Đại học luật Hà Nội, dự kiến sau khi về hưu sẽ lựa chọn các ngành nghề công chứng, luật sư hoặc tư vấn cho các khối doanh nghiệp", ông Ty chia sẻ.
Cũng như ông Ty, ông Hoàng Minh Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công, thuộc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã có hơn 37 năm công tác trong ngành. Nhận thấy chủ trương sắp xếp bộ máy là cần thiết nên ông quyết định xin nghỉ hưu sớm 4 năm, dành cơ hội cho lớp nhân sự trẻ phát triển, cống hiến.
"Còn sức khỏe, tôi sẽ tìm một công việc mới cho phù hợp. Ở bất kỳ công việc nào vẫn phải cống hiến hết mình, phát huy hết khả năng. Còn nếu sức khỏe không phù hợp, tôi sẽ lui về cùng vợ chăm sóc các cháu, để con cái yên tâm công tác", ông Thanh nói.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Trần Quốc Huy cho biết, hiện Sở chưa có tổng hợp cụ thể về số lượng cán bộ xin nghỉ hưu sớm trong việc thực hiện tinh gọn, sắp xếp bộ máy.
"Trước hết, các cán bộ xin nghỉ hưu sớm đăng ký với cơ quan nơi họ công tác. Sau khi tổng hợp danh sách từ các cơ quan, Sở Nội vụ sẽ báo cáo số liệu cụ thể trên địa bàn toàn tỉnh", ông Huy nói.
Theo ông Huy, các cán bộ đăng ký xin nghỉ hưu trước tuổi xuất phát từ nhiều lý do. Có người xin nghỉ để tạo điều kiện cho việc sắp xếp được thuận lợi. Cũng có người lao động rút sớm vì lý do sức khỏe, vì thấy chính sách hỗ trợ phù hợp.
Về việc thời gian qua có nhiều cán bộ xin nghỉ hưu sớm, ông Huy cho biết, đây mới chỉ là đăng ký của các cá nhân. Việc chấp thuận hay không cơ quan chức năng phải cân nhắc và xem xét nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, nguyện vọng cá nhân vẫn là một yếu tố được ưu tiên xem xét.
Việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy theo ông Huy là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ông cho rằng Nghị định 178 có những chính sách rất hợp lý để khuyến khích, động viên người lao động tự nguyện rời hệ thống, nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy hiệu quả hơn.
Theo ông Huy, chính sách hỗ trợ đủ mạnh, tác động tích cực đến người lao động là hoàn toàn hợp lý.
Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa bày tỏ, trên thực tế, mỗi một cơ quan, đơn vị hiện tại đều thấy có sự lãng phí trong việc sử dụng lao động. Số lượng nhân lực lãng phí không nhiều nhưng việc tinh gọn, sắp xếp là cần thiết, để tránh sự chồng chéo, kém hiệu quả.
"Cán bộ công chức sau khi nghỉ hưu sớm có thể tìm công việc mới bằng việc ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp khác. Rõ ràng hệ thống lao động có rất nhiều việc để làm, không nhất quyết phải là công chức nhà nước", ông Huy nói.