Thanh Hóa:
Làng nghề xứ Thanh lao đao trong "bão" dịch Covid-19
(Dân trí) - Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, hầu hết các làng nghề ở Thanh Hóa gặp khó khăn. Nhiều cơ sở sản xuất chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm đóng cửa, nhiều lao động mất việc làm…
Xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) nổi tiếng với nghề làm rèn. Toàn xã hiện có khoảng 1.600 hộ làm nghề này, chiếm trên 60% số hộ trong cả xã. Sản phẩm ngoài được bán ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức mua giảm, thị trường tiêu thụ bị chững lại, riêng thị trường xuất khẩu gần như "đóng băng".
Ông Kiều Văn Viễn, làng nghề Tiến Lộc chia sẻ: "Dịch bệnh ngày càng phức tạp khiến xe cộ bị hạn chế lưu thông, nhiều đơn hàng ngoài tỉnh buộc phải dừng lại bởi giá cước xe tăng (vì lái xe phải test nhanh Covid-19), nguyên vật liệu tăng. Hiện chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng vì không có nơi tiêu thụ. Nhiều gia đình vay ngân hàng để đầu tư sản xuất rơi vào bế tắc".
Các cơ sở tạm ngừng hoặc hoạt động cầm chừng đồng nghĩa với hàng loạt lao động mất việc làm. Hầu hết các cơ sở ở đây trung bình có từ 5-10 lao động thường xuyên và cả chục hộ nhận việc về nhà làm với mức thu nhập ổn định.
Tại xã Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa) có khoảng 500 hộ, với hơn 1.500 lao động tham gia làm nghề mây tre đan. Đây là nghề chính của người dân trong xã, mang lại thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Trước khi dịch diễn ra, làng nghề tiêu thụ mỗi tháng 250 nghìn sản phẩm, doanh thu đạt trên 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch, việc tiêu thụ sản phẩm mây tre đan giảm mạnh, doanh thu giảm một nửa. Đặc biệt 2 tuần trở lại đây, rất nhiều đơn hàng bị ách tắc, không thể tiêu thụ.
Làng nghề đúc đồng Chè Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) cũng chung tình trạng sản xuất cầm chừng do thiếu nguyên liệu, giá cả đắt trong khi hàng không bán được.
"Khoảng 2 tháng nay, doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng bởi lượng hàng tiêu thụ giảm đi đáng kể. Từ 20 lao động giờ doanh nghiệp phải giảm tải chỉ còn 10 lao động. Cũng thương anh em lắm nhưng giờ không biết phải làm thế nào", nghệ nhân Lê Văn Bảy, Giám đốc Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Bảy Tuyên, làng Chè Đông nói.
Không chỉ làng nghề Tiến Lộc, làng nghề đúc đồng Chè Đông hay làng nghề mây tre đan mà còn rất nhiều làng nghề trên địa bàn Thanh Hóa đang cùng chung khó khăn này.
Theo ông Hoàng Trọng Dần, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, khó khăn lớn nhất hiện nay của người làm nghề rèn ở Tiến Lộc là việc ngừng xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác.
"Lượng tiêu thụ sản phẩm làng nghề ở trong nước cũng giảm mạnh đã khiến cho hàng hóa bị tồn kho. Trong khi đó, nhiều hộ đã vay khá nhiều vốn để phục vụ cho sản xuất từ trước khi dịch bệnh. Đứng trước những khó khăn đó, nhiều cơ sở sản xuất mong muốn các cấp, các ngành sớm có giải pháp hỗ trợ, nhất là về nguồn vốn, để họ có thể cầm cự "giữ nghề" chờ khi dịch bệnh qua đi, sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất", ông Hoàng Trọng Dần trăn trở.
Theo ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, Sở đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn rà soát, lên danh sách các hộ bị ảnh hưởng, làm căn cứ thực tế để tham mưu UBND tỉnh phương án hỗ trợ.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 132 làng nghề, với 36 nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 90.000 lao động.