1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hưng Yên:

Làng nghề sản xuất đồ chơi trung thu ảm đạm vì dịch Covid-19

(Dân trí) - Giảm từ 50% -70% thu nhập do tác động của dịch Covid-19, nhiều hộ gia đình làm đồ chơi trung thu truyền thống ở thôn Ông Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) hoạt động cầm cự vì muốn giữ nghề của cha ông.

Liêu xiêu vì Covid

Nghề làm đồ chơi truyền thống, ở thôn Ông Hảo có hàng trăm năm tuổi. Ban đầu, các cụ trong thôn chủ yếu làm trống sau phát triển cả mặt hàng mặt nạ, đầu lân.

Chia sẻ của nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống

Những món đồ chơi của làng nghề Ông Hảo có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước, từ làng quê, thành thị đến những khu trưng bày, triển lãm.

Các năm trước, vào mỗi dịp trung thu, sản phẩm đồ chơi của làng nghề truyền thống thôn Ông Hảo làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để có đủ hàng cung ứng cho thị trường, người làm nghề đồ chơi truyền thống phải làm việc ngày đêm.

Năm nay, mặc trung thu đã đến gần nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nghề làm đồ chơi trở nên ảm đạm, nhiều hộ gia đình hoạt động cầm cự.

Làng nghề sản xuất đồ chơi trung thu ảm đạm vì dịch Covid-19 - 1

Máy móc để sản xuất trống đậy bạt, bỏ không vì vắng khách

Gia đình ông Vũ Huy Linh, có nghề làm trống lâu năm nhất còn lại tại thôn Ông Hảo. Khu sản xuất của gia đình từng rộn ràng tiếng cười nói của công nhân, tiếng gõ, tiếng đục, tiếng cắt da giờ chỉ còn lại ông Linh đang sơn lại những chiếc trống chưa bán được.

Ông Linh cho biết: “Các năm trước đây, cách trung thu khoảng 4 tháng là xưởng nhà tôi tất bật người ra vào, hàng chục công nhân làm từ sáng sớm đến đêm muộn mới đủ hàng giao cho khách. Năm nay, do không có đơn hàng nên chỉ còn lại mình tôi làm”.

Theo ông Linh, các năm trước bình quân mỗi dịp trung thu, gia đình ông bán ra thị trường khoảng 10.000 chiếc trống với giá từ 30.000 - 100.000 đồng tuỳ loại, ông có lãi từ 5000 - 10.000 đồng/trống. Hiện tại năm nay, xưởng sản xuất nhà ông Linh mới chỉ bán được hơn 2.000 chiếc.

Làng nghề sản xuất đồ chơi trung thu ảm đạm vì dịch Covid-19 - 2

Nhiều thứ đồ chơi được sản xuất ra nhưng không có người mua

Cùng cảnh ế hàng, xưởng sản xuất mặt nạ giấy bồi của gia đình ông Vũ Huy Đông từng tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động, nay cũng trở nên yên ắng.

“Nhà tôi chủ yếu phục vụ thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, nên mọi năm hàng bán được quanh năm cho khách du lịch. Từ Tết đến nay, hàng không đi được. Hiện tại, tôi chưa biết sẽ xử lý thế nào đối với số lượng hàng đã sản xuất ra, đành đóng bao để đấy chờ ngày thị trường hồi phục” - ông Vũ Huy Đông chia sẻ.

Xưởng sản xuất của gia đình ông từng tạo việc làm cho gần chục lao động với mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Bắt đầu từ đợt giãn cách xã hội, ông Đông cho mọi người tạm nghỉ vì số lượng hàng sản xuất ra quá nhiều mà không bán được.

Làng nghề sản xuất đồ chơi trung thu ảm đạm vì dịch Covid-19 - 3

Xưởng sản xuất đông người nay còn mình ông Đông lặng lẽ làm ra những chiếc mặt nạ nhưng chưa biết bán cho ai 

Ông Vũ Huy Đông cho biết: “Có những năm, khách hàng từ trong Đà Nẵng ra đặt hàng từ sau tết, rồi họ đem cả cái xe tải to ra chở hàng về. Mỗi năm, hàng nghìn cái mặt nạ giấy nhà tôi sản xuất ra được vận chuyển vào các tỉnh miền trong, nhưng năm nay chưa đi được chuyến nào mà chỉ bán số lượng nhỏ quanh các tỉnh miền bắc”.

Để có đủ nguyên liệu sản xuất cho một năm, không chỉ xưởng của ông Linh, ông Đông mà các hộ khác trong thôn đã chuẩn bị nguyên liệu từ cuối năm 2019. Dịch bệnh đến bất ngờ, nhiều hộ gia đình không kịp trở tay, số vốn đầu tư nên đến cả trăm triệu đồng nay đắp chiếu đề đấy.

Quyết tâm giữ nghề

Mặc dù gặp nhiều khó khăn vì Covid-19, hàng sản xuất ra không bán được, nhưng những nghệ nhân làng nghề vẫn giữ một niềm tin tưởng mãnh liệt.

“Chừng nào còn Trung thu, chừng đó trống làng Ông Hảo, mặt nạ làng Ông Hảo sẽ vẫn còn”  - ông Vũ Huy Linh nói.

Làng nghề sản xuất đồ chơi trung thu ảm đạm vì dịch Covid-19 - 4

Những nghệ nhân làng nghề vẫn giữ một niềm tin tưởng mãnh liệt rằng nghề này sẽ không bao giờ biến mất

Ông Vũ Huy Linh niềm nở nói: “Năm nay không bán được thì sang năm bán, chúng tôi nhất định phải giữ lại nghề mà cha ông truyền lại. Hơn 40 năm gắn bó với nghề này, bây giờ không vì khó khăn bởi dịch bệnh mà tôi bỏ được”.

Những hộ gia đình còn làm nghề ở thôn Ông Hảo, hộ ít cũng có đến 30 năm kinh nghiệm, hộ nhiều thì đến cả trăm năm.

Nghề làm mặt nạ giấy bồi, của gia đình ông Vũ Huy Đông đã truyền qua 3 thế hệ. Từ đời bố ông, nay con trai lớn của ông Đông cũng đang bắt đầu với nghề.

Ông Vũ Huy Đông chia sẻ: “Tôi luôn nhắc nhở con cháu về truyền thống làm nghề của gia đình, cố gắng để truyền từ đời này sang đời khác. Khi sản xuất những món đồ chơi này, nó không chỉ đem lại cho chúng tôi giá trị kinh tế mà còn đem lại niềm vui, niềm tự hào dân tộc”.

Làng nghề sản xuất đồ chơi trung thu ảm đạm vì dịch Covid-19 - 5

Những chiếc trống chờ đợi khách hàng trong bão dịch Covid-19

Cũng theo ông Đông, người làm nghề phải có cái nhìn tinh tế, tâm hồn trong sáng khi vẽ lên những chiếc mặt lạ mới có hồn mới thu hút được người nhìn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Miết - Trưởng thôn Ông Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) - cho hay, trước đây có đến 50% số hộ trong thôn làm nghề đồ chơi truyền thống.

Mấy năm trở lại đây, nhà máy, khu công nghiệp mọc lên, nhiều hộ gia đình bỏ nghề đi làm công nhân hoặc phá xưởng sản xuất để xây nhà trọ cho thuê. Hiện nay trong thôn chỉ còn khoảng chục hộ đang làm nghề.

Trưởng thôn Ông Hảo trăn trở với nghề của làng 

“Sự cạnh tranh của đồ chơi Trung Quốc, cũng đang là mối lo ngại lớn đối với làng nghề chúng tôi những năm trở lại đây. Dịch bệnh Covid-19 lại càng khiến những hộ gia đình làm nghề trở nên khó khăn hơn” - ông Miết chia sẻ.

Theo ông Miết, chất liệu được dùng để làm lên những thứ đồ chơi này đa phần là giấy, da bỏ đi của các nhà máy trên địa bàn, việc phát triển nghề còn đóng góp không nhỏ vào việc giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.

Cũng theo ông Miết, những năm trước mỗi tháng thôn đón nhận hàng nghìn lượt khách thăm quan từ khắp nơi đến tìm hiểu về nghề, thế nhưng năm nay số lượng đoàn đến chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Chúng tôi đã rất nhiều lần động viên các hộ gia đình cố gắng giữ lấy nghề truyền thống của cha ông để lại, cũng rất mong các cấp chính quyền có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn trong thời gian này để nghề làm đồ chơi truyền thống phát triển trở lại”.

Làng nghề sản xuất đồ chơi trung thu ảm đạm vì dịch Covid-19 - 6

Nguyên liệu thô được các xưởng sản xuất tích trữ từ năm ngoái

Làng nghề sản xuất đồ chơi trung thu ảm đạm vì dịch Covid-19 - 7

Hoạt động cầm cự, thế nhưng những nghệ nhân không ai muốn đổi nghề

Làng nghề sản xuất đồ chơi trung thu ảm đạm vì dịch Covid-19 - 8

Từng chi tiết được các nghệ nhân chăm chút tỉ mỉ

                                                                                     Phạm Công