1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Làng nghề bánh tráng vào Tết: "Đỏ lửa" ngày đêm vẫn không kịp bán

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Thời tiết mưa rét kéo dài khiến nhiều chủ lò bánh tráng phải tạm nghỉ, các lò còn hoạt động chủ yếu phụ thuộc việc sấy than nên năng suất thấp, khách liên tục giục nên họ phải "đỏ lửa" ngày đêm.

Tồn tại hàng trăm năm qua, nghề làm bánh tráng cuốn ở các làng quê huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) vẫn giữ được thương hiệu riêng nhờ sự cần mẫn và đôi bàn tay khéo léo, độc đáo của người làm nghề.

Làng nghề bánh tráng vào Tết: Đỏ lửa ngày đêm vẫn không kịp bán - 1

Các cơ sở bánh tráng Tết "đốt lửa" ngày đêm để kịp giao hàng cho khách

Đại Lộc có gần 200 cơ sở sản xuất bánh lớn nhỏ, tập trung nhiều nhất tại thị trấn Ái Nghĩa, xã Đại Nghĩa, Đại An… Làng nghề sản xuất quanh năm, nhưng thời điểm cận Tết là tất bật hơn hẳn, đơn hàng cũng nhiều hơn.

Làng nghề bánh tráng vào Tết: Đỏ lửa ngày đêm vẫn không kịp bán - 2

Nhiều cơ sở không đủ nhân công nên khâu sản xuất bánh cuốn bằng máy tạm ngưng, dành cho các lò tráng bánh nướng thủ công kịp phục vụ Tết

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng thời tiết mưa rét kéo dài khiến việc sản xuất bánh tại làng nghề bánh tráng Đại Lộc gặp nhiều khó khăn, không còn cảnh nhộn nhịp như năm trước.

Làng nghề bánh tráng vào Tết: Đỏ lửa ngày đêm vẫn không kịp bán - 3

Nhiều cơ sở nhỏ đã tạm nghỉ do mưa rét liên tục không có nơi phơi bánh, chỉ có các cơ sở lớn có đầu tư lò sấy than còn duy trì hoạt động để giữ khách

Nhiều chủ lò có quy mô nhỏ đã phải tạm nghỉ, chỉ các lò lớn và các lò tráng bánh thủ công còn hoạt động để cung ứng thị trường Tết. Các lò hiện dùng phương pháp sấy than để hong khô bánh, nhưng cách này tốn kém và năng suất không cao như phơi nắng tự nhiên.

Làng nghề bánh tráng vào Tết: Đỏ lửa ngày đêm vẫn không kịp bán - 4

Việc sấy bánh trên lò than khiến năng suất giảm hơn hẳn

Theo chủ cơ sở bánh tráng Minh Anh (khu Nghĩa Trung, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc), thời tiết mưa rét kéo dài nên nhiều cơ sở nhỏ đã tạm dừng hoạt động, các cơ sở lớn vì để giữ mối bạn hàng nên vẫn cố duy trì sản xuất. Giá bánh hiện nay tăng khoảng 3-5 ngàn/ký, giá cao hơn là do giá nguyên liệu tăng, dùng than để sấy nên cũng khá tốn kém. Bên cạnh đó, sấy bằng than khiến năng suất không cao nên việc sản xuất hiện nay vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.

Làng nghề bánh tráng Đại Lộc "đỏ lửa" đón Tết

"Gia đình tôi 3 đời làm bánh tráng với hơn 50 năm giữ nghề, bạn hàng quen cũng đã mấy chục năm nay nên dù khó khăn vẫn cố duy trì sản xuất để giữ mối. Trong năm thì gặp khó ở khâu vận chuyển do dịch Covid-19, giờ cận Tết mà mưa rét kéo dài thế này nên sản xuất rất khó khăn. Tuy giá cao hơn nhưng vốn mình bỏ ra cũng lớn nên lời lãi không nhiều, làm hàng tới đâu là người ta lấy tới đó, không kịp giao nhưng thời tiết không thuận lợi, nên năng suất thấp", chủ cơ sở Minh Anh chia sẻ.

Làng nghề bánh tráng vào Tết: Đỏ lửa ngày đêm vẫn không kịp bán - 5

Giá bánh cao hơn bình thường từ 3-5 ngàn/kg, nhưng giá nguyên liệu tăng và việc sử dụng than sấy bánh tốn khá nhiều chi phí nên lời lãi cũng chẳng bao nhiêu

Bên cạnh yếu tố thời tiết, giá nguyên liệu tăng thì việc tìm nhân công cũng khiến các chủ cơ sở đau đầu. Nhiều chủ cơ sở cho biết dù đã ra giá cao để thuê người làm nhưng vẫn khó tìm lao động, bởi nghề này cực nhọc, và việc hong than cả ngày để sấy bánh khiến nhiều người bỏ cuộc.

Làng nghề bánh tráng vào Tết: Đỏ lửa ngày đêm vẫn không kịp bán - 6

Tranh thủ trời ráo không mưa để phơi bánh, các chủ lò phải canh chừng liên tục để tránh mưa đột ngột

Tại cơ sở của bà Võ Thị Khuynh (khu Hòa Đông, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc), dãy máy chuyên làm bánh cuốn vuông nay cũng tạm ngưng vì thiếu nhân công, cơ sở hiện chỉ duy trì hai bếp lò đôi để tráng bánh nướng.

Làng nghề bánh tráng vào Tết: Đỏ lửa ngày đêm vẫn không kịp bán - 7

Đối với các lò bánh thủ công vẫn duy trì tráng bánh phục vụ thị trường Tết

Mưa rét liên miên không có nắng để phơi nên việc hong khô phải sấy bằng than, việc hàng giờ phải đứng bên lò than hừng hực khiến nhiều người ngao ngán, không dám nhận làm. Thiếu người lao động, dù giá bánh lên cao và đơn đặt hàng nhiều hơn năm ngoái nhưng bà Khuynh cũng chưa dám nhận thêm.

Làng nghề bánh tráng vào Tết: Đỏ lửa ngày đêm vẫn không kịp bán - 8

Bánh làm ra đến đâu người ta sẽ lấy hàng đến đấy, mặc dù đơn đặt hàng nhiều hơn năm ngoái nhưng sản lượng lại thấp do không có nắng phơi bánh

"Việc nhiều lại vất vả nên rất khó tìm nhân công dù đã trả công cao hơn, hiện người làm ở đây chủ yếu là lao động cũ, gắn với nghề đã lâu nên thạo tay nghề hơn. Giá bánh cũng thất thường lắm, trời mưa rét này vì nguyên liệu lên cao và thêm tiền than củi nên mới có giá nhỉnh chút đỉnh, chứ thử nắng lên nhiều cơ sở hoạt động lại thì sẽ bị ép giá xuống", bà Khuynh cho hay.

Làng nghề bánh tráng vào Tết: Đỏ lửa ngày đêm vẫn không kịp bán - 9

Làng nghề bánh tráng Đại Lộc "mướt mồ hôi" chạy đua cùng Tết

Cơ sở bánh của bà Võ Thị Hiền những ngày này việc làm không xuể do nhiều cơ sở tạm nghỉ, đơn đặt hàng cứ thế về liên tục. Tuy nhiên, cũng như nhiều cơ sở bánh lớn vẫn còn duy trì sản xuất bánh Tết việc hong bánh bằng than rất tốn công và năng suất thấp nên cơ sở bà Hiền phải "đốt lửa" liên tục ngày đêm để kịp hàng giao.

"Lượng đặt hàng năm nay tăng khoảng 20%, giá bánh cũng tăng từ 3-5 ngàn/kg nhưng giá nguyên liệu tăng, rồi thêm tiền than củi nên lời lãi cũng chẳng nhiều. Tôi phải cố gắng lắm mới duy trì số nhân công làm thường xuyên, giá công lao động cũng tăng hơn nhưng năng suất thì không cao do phải dùng than sấy. Khách hối liên tục, mẻ bánh nào vừa xong là họ đến lấy đi ngay, bận rộn ngày đêm", bà Hiền than thở.