1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai:

Làng “lập quỹ chung” để làm công trình phúc lợi, giúp dân “thoát nghèo”

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Từ nhà rông bị sét đánh, dân làng đã họp nhau để bán số cột, ván bằng gỗ trắc với giá 2 tỷ đồng. Số tiền này, người dân đã mua máy nông nghiệp, nước sạch và nhiều phúc lợi nhằm giúp dân “thoát nghèo”.

Quỹ chung giúp dân “thoát nghèo”

Xã Hà Tây (huyện Chư Păh, Gia Lai) là một trong những xã nghèo, đa số là bà con đồng bào dân tộc thiểu số người Ba Na nên đời sống kinh tế còn khó khăn, lạc hậu.

Tuy nhiên, tại một làng Kon Sơ Lal (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, Gia Lai) lại có một việc làm mang tính cộng đồng cao là tạo ra quỹ chung để cùng giúp nhau “thoát nghèo” và chung tay xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, năm 2015, trong một cơn mưa giông mạnh, căn nhà rông của làng Kon Sơ Lal đã bị sét đánh làm cháy một phần. Khi nhìn nhà rông to, đẹp và là linh hồn của cả làng Kon Sơ Lal bị sét đánh ai cũng buồn rầu, bỏ cơm.

Nhiều tháng sau đó, một số thương lái đã đến hỏi mua số gỗ trắc còn sót lại ở nhà rông bị cháy với giá hơn 2 tỷ đồng. Sau nhiều cuộc họp làng, người dân đã đồng ý bán số gỗ trên để phục vụ việc xây dựng nhà rông mới.

Làng “lập quỹ chung” để làm công trình phúc lợi, giúp dân “thoát nghèo” - 1
Nhà rông mới của làng Kon Sơ Lal, đây cũng là nhà rộng được mệnh danh là lớn nhất ở Tây Nguyên

Ông Hyưnh (Già làng Kon Sơ Lal) bộc bạch: “Có làng thì phải có nhà rông nên khi bị cháy nhà rông thì người dân đã họp và quyết định bán số gỗ trắc còn lại với giá 2 tỷ đồng. Lúc này, dân làng đã trích ra hơn 1 tỷ đồng để làm lại nhà rông mới”.

Số tiền gần 1 tỷ đồng còn lại, dân làng đã để vào một quỹ chung của làng rồi gửi vào ngân hàng. Bên cạnh đó, ông Hyưnh cũng cho biết, số tiền mà Nhà nước chi trả cho cộng đồng dân làng Kon Sơ Lal bảo vệ 600 ha rừng cũng được gom chung vào quỹ này để sử dụng vào mục đích chung của làng.

Làng “lập quỹ chung” để làm công trình phúc lợi, giúp dân “thoát nghèo” - 2
Già làng Hyưnh bên máy cày và máy tuốt chung của làng Kon Sơ Lal

Nguồn quỹ chung của dân làng được gửi vào ngân hàng và số lãi tích góp sẽ được rút ra nhằm phục vụ cho hoạt động chung như: hội làng, thăm người già đau yếu, hỗ trợ học sinh mồ côi, mua sắm đồ đạc, sửa chữa đường xá, cầu cống trong làng.

Địa hình xã Hà Tây nằm ở vùng lòng chảo, đời sống kinh tế người dân đồng bào còn khó khăn, hình thức canh tác lạc hậu.

Nhằm đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào trồng, chăm sóc cây lúa, dân làng Kon Sơ Lal đã thống nhất trích tiền lãi của quỹ chung để mua sắm xe ô tô và máy móc, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Tất cả được bảo quản trong khuôn viên rộng khoảng 1ha của nhà rông. 

Làng “lập quỹ chung” để làm công trình phúc lợi, giúp dân “thoát nghèo” - 3
Máy xay xát gạo được mua từ tiền quỹ đang phục vụ nhu cầu của người dân trong làng

Theo đó, do tập tục của người dân đồng bào bản địa là trồng lúa rẫy, “mặc mưa nắng” nên năng suất không cao, tình trạng thiếu đói diễn ra triền miên. Những năm trở lại đây, người dân đã cùng giúp nhau trồng lúa nước 2 vụ và chăm bón, bỏ phân nên năng suất cũng cao lên đáng kể.

Để tăng năng suất, giảm lao động, dân trong làng đã bàn nhau dùng số tiền lãi từ quỹ chung để mua một chiếc máy gặt lúa và 2 máy cày. Đến thời kỳ gieo trồng, các thanh niên trong làng sẽ chia nhau đi cày ruộng và gặt lúa giúp dân.

Từ hình thức canh tác lạc hậu người dân làng Kon Sơ Lal đã biết dùng máy móc vào sản xuất. Đặc biệt, vì những máy móc nông nghiệp của chung nên đã giảm chi phí, thời gian và công sức của người dân rất nhiều mà năng suất lại tăng lên gấp 2 - 3 lần.

Ông Hyưnh (Làng Kon Sơ Lal) vui mừng nói: “Có máy móc, công việc đồng áng của người làng đỡ vất vả hơn. Như tôi có 3 sào lúa, khi vào vụ gieo trồng phải mất hơn 1 tuần để làm đất nhưng nay chỉ cần 1 buổi. Khi gặt thì đã có máy nên cũng tốn ít công hơn. Vì là người làng nên các thanh niên đã bỏ thời gian để giúp bà con hay ai biết lái thì tự lên lái rồi đưa về để chỗ cũ cho người khác dùng tiếp”.

Làng “lập quỹ chung” để làm công trình phúc lợi, giúp dân “thoát nghèo” - 4
Cống nước được làm bởi sức dân Kon Sơ Lal.

Ngoài ra, dân còn mua 2 chiếc máy xay xát lúa để người dân có thể xay ra gạo nhằm bán được giá hơn. Anh Tăng (người dân làng Kon Sơ Lal) cho hay: “Máy này được mua mấy năm rồi. Làng đã lập ra 30 tổ tự quản để thực hiện việc xay xát gạo giúp bà con, mỗi tổ làm 1 ngày. Công xay xát 1 bao lúa là 10.000 đồng. Gia đình nào không trả tiền thì để cám lại, hôm sau sẽ có người của tổ tự quản mang cám đi bán”.

Cũng theo snh Tăng, tiền bán cám hay phí xát gạo được dùng để trả tiền điện, sửa chữa máy móc, còn dư thì góp vào quỹ làng. Nhà nào nghèo quá thì miễn phí.

Vì giao thông đi từ xã Hà Tây ra trung tâm huyện Chư Păh rất xa, giao thông đi lại khó khăn nên đầu năm 2019, dân làng đã mua một chiếc xe ô tô 7 chỗ trị giá gần 400 triệu đồng. Chiếc xe này được mua nhằm chở người làng bị ốm đau đi bệnh viện; đi thăm họ hàng nơi xa; mua sắm đồ đạc khi có hội làng.

Trưởng thôn Kon Sơ Lal bộc bạch: “Có nhiều người bị đau ốm lúc đêm khuya được chở tới bệnh viện kịp thời. Như mới đây có ca sinh khó, nhờ có xe chở đi mà mẹ tròn con vuông. Xe phục vụ người làng thì giá rẻ hơn. Ví dụ như đi TP. Kon Tum thì hết 400 ngàn đồng, tài xế nhận 100 ngàn đồng, còn 200 ngàn bỏ quỹ, đổ xăng”.

Dân làng chung tay đi tìm nước sạch

Nói về công trình nước tự chảy trị giá hơn 150 triệu đồng vừa được đưa vào sử dụng không lâu, ông Hyưnh (Già làng Kon Sơ Lal) kể lại: “Làng từng có 2 công trình nước tự chảy do Nhà nước làm đầu tư nhưng cứ đến mùa khô là thiếu nước trầm trọng. Dân làng họp rồi quyết định làm công trình nước tự chảy mới. Có nhà hảo tâm hỗ trợ 4.000m đường ống và 1 bể inox dung tích 5.000 lít nước. Lúc này, làng đã chi thêm 145 triệu đồng tiền lãi từ quỹ chung và vận động dân làng đóng góp ngày công để làm công trình xây dựng một công trình nước sạch dẫn từ núi về”.

Làng “lập quỹ chung” để làm công trình phúc lợi, giúp dân “thoát nghèo” - 5
Công trình nước sạch được người dân chung tay xây dựng để cho bà con trong làng sử dụng

Theo đó, công trình nước sạch được dẫn từ núi Kông Ju và tại đây cũng xây một bể chứa với dung tích khoảng 30m3. Thanh niên, đàn ông trong làng đã chung tay đào hơn 9.000m hào để đặt ống dẫn nước về bồn chứa có dung tích 50m3, rồi dẫn về 18 điểm lấy nước ở quanh làng”.

Trưởng thôn Khyơn tiếp lời: “Từ khi đưa công trình nước tự chảy vào sử dụng đến nay, dân làng mình mừng lắm, có đủ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nước suối chảy từ trên núi cao về nên rất sạch và mát lắm. Chúng tôi còn làm đường ống dẫn vào nhà rông và đặt 2 cái phuy để mọi người vệ sinh, lấy nước uống rượu ghè khi làng hội họp”.

Làng “lập quỹ chung” để làm công trình phúc lợi, giúp dân “thoát nghèo” - 6
Nước sạch được dẫn đến từng điểm cho trong làng cho bà con trẻ em thoải mái sử dụng

Để hoàn thành công trình nước sạch này là sự nỗ lực, đồng lòng dân làng Kon Sơ Lal. Họ thay phiên gánh từng viên gạch, bao xi măng lên núi cao và đào hào để đặt ống dẫn nước. Dù vất vả nhưng dân làng đoàn kết một lòng, không tiếng than trách. Ngoài việc mua sắm máy móc, xây dựng công trình nước sạch, dân làng Kon Sơ Lal còn sử dụng tiền lãi từ quỹ để làm đường giao thông giúp việc đi lại thuận tiện hơn.

Làng “lập quỹ chung” để làm công trình phúc lợi, giúp dân “thoát nghèo” - 7
Dân làng cùng ra sức xây dựng công trình sức sạch

Ông Nguyễn Đức Minh (Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây) cho biết: “Dân làng Kon Sơ Lal rất đoàn kết, chăm chỉ làm ăn, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Diện tích đất canh tác nông nghiệp của 145 hộ dân làng này lên đến hàng trăm héc ta. Từ tiền lãi của quỹ chung, người dân đã sắm đầy đủ các loại máy móc nông nghiệp để phục vụ sản xuất”.

Nhờ vậy, người dân trong làng hầu như đang dần thoát nghèo, biết cách làm ăn và hệ thống đường, nước sạch…đều được đảm bảo. Kon Sơ Lal là làng có điều kiện kinh tế phát triển nhất và được chọn để xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những việc làm của dân làng rất đáng để nêu gương về tính tự giác cùng giúp nhau phát triển kinh tế, đời sống tinh thần.