Ninh Thuận:
Làng gốm nức tiếng của người Chăm nổi lửa chờ khách du xuân
(Dân trí) - Tết Quý Mão 2023, hơn 100 hộ gia đình ở làng gốm Bàu Trúc đã chuẩn bị sẵn lượng hàng nhiều gấp đôi so với năm trước, chờ đón khách du xuân đến mua ủng hộ những sản phẩm truyền thống độc đáo này.
Ngày 19/1, nhằm ngày 28 tháng Chạp, không khí làm việc tại làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) vẫn rộn ràng. Các nghệ nhân vẫn miệt mài nặn gốm, nổi lửa nung những chiếc bình hoa gốm đắp nặn bằng tay.
Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc đều hy vọng gốm Bàu Trúc sẽ được nhiều người biết đến, nhiều khách du xuân đến ủng hộ hơn sau khi nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022.
Nghệ nhân Phú Thị Tính cho biết: "Năm nay chúng tôi làm nhiều sản phẩm gốm Tết hơn năm trước và hy vọng du khách đến tham quan, mua sản phẩm nhiều hơn. Sau khi gốm Bàu Trúc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ gấp, người làng gốm rất phấn khởi, kỳ vọng nghề này sẽ phát triển hơn, 2 đứa con tôi cũng tham gia làm nghề này".
Dự đoán nghề truyền thống này sẽ có cơ hội phát triển trong thời gian tới khi được mọi người quan tâm hơn, nghệ nhân Phú Thị Tính đang mở rộng dần cơ sở làm gốm, để 2 con làm cùng, thuê thêm 2 nhân công, chuẩn bị rất nhiều sản phẩm gốm cho du khách lựa chọn trong dịp Tết này…
Nghệ nhân Phú Thị Tính nói: "Theo kinh nghiệm Tết các năm trước thì chậu gốm nhỏ để trồng sen đá hoặc bình hoa nhỏ được du khách lựa chọn nhiều. Còn những bình hoa lớn, thác nước, hòn non bộ, tượng phật, tháp Chăm, phù điêu Chăm… chủ yếu là được các điểm du lịch mua để trang trí tiểu cảnh".
Gia đình bà Đàng Thị Kim Sương (cơ sở gốm Chăm Pa) cũng đang rất phấn khởi, tất bật chuẩn bị nhiều sản phẩm gốm bắt mắt cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới vì dự đoán khách năm nay sẽ đông hơn.
Bà Kim Sương chia sẻ: "Du khách thường đến làng gốm nhiều từ mồng 1 Tết tới hết tháng giêng. Khách vừa tham quan cơ sở, cách nghệ nhân chế tác và mua hàng một số mặt hàng nho nhỏ, dễ mang theo".
"Hy vọng Tết năm nay, du khách sẽ lựa chọn những sản phẩm to hơn, có giá trị cao hơn để bà con làng gốm Bàu Trúc có thu nhập tốt hơn. Như vậy, chúng tôi mới có hy vọng mở rộng cơ sở, nhiều con cháu theo nghề hơn, giữ gìn và phát huy được nghề gốm truyền thống này", bà Kim Sương nói.
Từng có 7 năm gắn bó với nghề giáo nhưng say mê công việc làm gốm, ông Vạn Quan Phú Đoan đã quyết định nghỉ việc và theo nghề thợ gốm truyền thống của làng Bàu Trúc suốt 14 năm qua.
Theo ông Đoan, Tết năm nay có hơn 100 hộ gia đình ở làng gốm Bàu Trúc tham gia làm gốm phục vụ du khách dịp Tết Nguyên đán, tăng hơn gấp đôi so với năm trước.
Những năm trước, bà con làng gốm Bàu Trúc làm sản phẩm gốm tết trong sự lo lắng "ế hàng". Tết năm nay, nghe tin nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể, bà con đều hy vọng tình hình sẽ khác các năm trước, du khách sẽ đến nhiều hơn để ủng hộ gốm Chăm.
Ông Vạn Quan Phú Đoan cho hay: "Bà con rất vui khi làng gốm Bàu Trúc chúng tôi giờ đây đã được người dân cả nước và người nước ngoài biết đến nhiều hơn sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Hy vọng chúng tôi sẽ đón nhiều du khách trong dịp tết này, có thu nhập để chúng tôi duy trì và phát triển làng nghề".
Những năm 1980, gốm Bàu Trúc rất thịnh hành với nhiều mặt hàng như lu, chum, vại, lọ, ấm, nồi, bát, đĩa… Những sản phẩm này được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người Chăm và nhiều dân tộc khác. Ngày nay, thị hiếu đã thay đổi, những sản phẩm gốm ít được ưu chuộng khiến người dân làng nghề gặp nhiều khó khăn.
Điều làm nên sự khác biệt của gốm Bàu Trúc là cách làm gốm không dùng bàn xoay. Nghệ nhân làm gốm phải di chuyển quanh bàn làm gốm để tạo hình bằng tay. Gốm được nặn bằng tay nên mất nhiều công sức, người làm phải khéo léo, kiên trì, bền bỉ để tạo thành sản phẩm hoàn thiện. Bù lại, mỗi sản phẩm khi thành hình đều là một tác phẩm duy nhất, khác biệt với những sản phẩm khác.