Ninh Thuận:
Làng gốm Bàu Trúc vắng khách du xuân, nghệ nhân cố giữ nghề truyền thống
(Dân trí) - Tết năm nay làng gốm Bàu Trúc vắng khách tham quan, các hộ làm gốm ế ẩm vì hàng chuẩn bị trước Tết không bán được. Thế nhưng, với các nghệ nhân, làm gốm không chỉ là 1 cái nghề, nó còn là cái hồn cốt phải giữ gìn của dân tộc Chăm.
Đến hết mùng 9 Tết mà làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) vẫn vắng khách đến tham quan. Một hộ làm gốm cho biết suốt dịp tết năm nay mỗi hộ chỉ đón tiếp chừng 4 xe du khách (tầm gần 200 khách) do các công ty du lịch đưa đến chứ khách lẻ hầu như là không có. Lượng khách này rất thấp so với các năm trước, lượng hàng bán ra cũng rất thấp, hàng gốm mà các hộ kỳ công chuẩn bị từ trước tết còn tồn rất lớn.
...nhưng ế ẩm vì ít khách đến làng tham quan, mua sắm
Gốm người Chăm Bàu Trúc là gốm làm bằng tay, không bàn xoay, sử dụng hòn kê, kỷ thuật chải và miết láng và nung ngoài trời, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật độc bản.
Gốm Chăm Bàu Trúc được làm qua những khâu kỹ thuật khá phức tạp. Từ khâu làm đất, cho đến tạo hình và nung gốm đều được làm bằng tay. Người thợ gốm Bàu Trúc có tay nghề cao, đạt đến trình độ tinh xảo, thì mới có thể cùng một lúc kết hợp nhiều thao tác phức tạp để tạo thành một sản phẩm gốm có dáng tròn đều đặn.
Nguyên vật liệu làm gốm Chăm bao gồm: đất sét, cát để làm gốm và củi, rơm, trấu để nung gốm. Cát trộn với đất sét là loại cát mịn, nhỏ li ti được lấy từ dưới sông đọng lại sau mùa nước lũ. Riêng đất sét Bùa Trúc đặc biệt hơn, có độ kết dính khá cao, được lấy từ sông Quao, cách làng khoảng 3km về phía Tây Bắc do phù sa bồi tụ lâu năm mà thành.
Không một sản phẩm nào giống cái nào
Thế nhưng, năm nay hình như gốm Bàu Trúc không còn được nhiều người yêu thích
Theo nghệ nhân Đàng Thị Phan (một trong những nghệ nhân nổi tiếng thuộc gia đình có truyền thống làm gốm lâu đời tại làng Bàu Trúc), năm nay nhà bà cũng như các hộ nghệ nhân khác trong làng làm nhiều sản phẩm mang hình con heo để phục vụ nhu cầu mua hàng lưu niệm Tết Kỷ Hợi của du khách.
Bà cho biết: “Bên cạnh heo đứng thì chúng tôi làm thêm heo ngồi và heo màu vàng đồng. Gốm hình con heo sau khi nung chín xong sẽ được phun màu đồng, làm phong phú hơn cho sản phẩm gốm con heo bên cạnh hai màu đỏ, nâu quen thuộc”.
Tuy nhiên, những lô hàng mà các nghệ nhân kỳ công thực hiện cho đợt mua sắm Tết hầu như đều còn tồn lại vì quá vắng khách. Các sản phẩm gốm Bàu Trúc khác cũng chung số phận ế ẩm vì không có khách ghé làng tham quan thì lượng khách mua cũng ít.
Nghệ nhân Đàng Xem chia sẻ: “Nếu như các năm trước, có nhiều khu du lịch, nhiều resort đặt các đơn hàng lớn như bình hoa, đèn trang trí, các phù điêu, các tượng vũ nữ, tượng tháp, tượng thần… thì năm nay không có, chỉ có vài đơn hàng nhỏ lẻ khoảng từ 5 đến 7 triệu đồng. Có lẽ vì gốm Chăm rất bền, họ không cần bổ sung gì thêm”.
Tuy sản phẩm không được tiêu thụ nhiều nhưng người làm nghề gốm ở làng này vẫn không nản lòng. Hằng ngày các nghệ nhân vẫn đều đặn làm gốm, cho ra đời những sản phẩm nghệ thuật mang tính độc bản. Bởi với họ, làm gốm không chỉ để mưu sinh mà nó mang ý nghĩa quan trọng hơn, sâu sắc hơn đó là bảo tồn một làng nghề truyền thống lâu đời của người Chăm.
Nghệ nhân Đàng Xem cho biết: “Nhiều hộ làm gốm Chăm cũng giống như nhà tôi, nhưng chúng tôi đều không nản lòng. Đây là làng nghề truyền thống lâu đời của chúng tôi, dù như thế nào chúng tôi vẫn làm để bảo tồn làng nghề này”.
Tuy nhiên, các nghệ nhân cũng hy vọng những ngày sắp tới sẽ có nhiều du khách đến đây tham quan, mua sắm gốm Bàu Trúc hơn. Một nghệ nhân chia sẻ: “Thường tháng giêng thì người Việt cũng vẫn còn đi vui chơi, du lịch, lễ hội nên hy vọng vài ngày tới sẽ có nhiều du khách hơn đến đây!”.
Đức An