Làng dệt chiếu cổ hơn 300 năm tuổi ở Quảng Nam có nguy cơ mai một
(Dân trí) - Nhiều người đã bỏ nghề, thế hệ trẻ không mặn mà nối nghiệp, người dân làng chiếu cổ Bàn Thạch (Quảng Nam) không khỏi tiếc nuối khi nghề truyền thống cha ông đang dần mai một.
Thời hoàng kim 80% dân làng đều làm nghề
Làng chiếu cói Bàn Thạch vốn dĩ là một làng cổ của Duy Xuyên (nay thuộc thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), nhưng lại nằm tách biệt với thế giới bên ngoài.
Làng trở thành một “ốc đảo” nằm “lơ lửng” giữa 3 dòng sông là sông Thu Bồn, Ly Ly và Trường Giang. Được xem là cái nôi của nghề chiếu cói Bàn Thạch vốn nổi tiếng xưa nay.
Hơn 300 năm qua, làng nghề này trải bao thăng trầm của lịch sử nhưng chưa bao giờ họ rời tay dệt, góp phần tạo nên những tấm chiếu vang danh.
Theo những cụ cao niên trong làng, thời hoàng kim, làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch có hơn 80% người dân trong làng làm nghề.
Làng có 355 hộ dân thì có khoảng 300 hộ làm chiếu, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 45 hộ theo nghề, chủ yếu là các cụ cao niên và phụ nữ lớn tuổi.
Nghề dệt chiếu không chỉ là công việc mưu sinh, mà còn giúp những người con của làng gìn giữ, lưu truyền nghề truyền thống của ông cha để lại.
Những người làm chiếu lâu năm trong làng kể lại, trước kia chiếu Bàn Thạch đã xuất hiện tại các nước Đông Âu và Liên Xô cũ.
Tại những lễ hội lớn trong nước như Festival Huế, Ấn tượng Mỹ Sơn hay lễ hội bà Thu Bồn được tổ chức hàng năm cũng có mặt của chiếu Bàn Thạch.
Thế nhưng, cùng với thời gian, những chiếc chiếu được dệt thủ công không còn "đủ sức" nuôi sống người dân. Nhiều người đã không còn mặn mà với nghề làm chiếu mà chuyển sang những công việc khác cho thu nhập cao hơn.
Ký ức về một thời thịnh vượng của làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch trở thành sự tiếc nuối.
Gia đình ông Phạm Phố (77 tuổi, thôn Đông Bình, xã Duy Vinh) có nhiều thế hệ làm nghề dệt chiếu nhưng đến đời ông thì có thể là truyền nhân cuối cùng.
Chỉ tay vào khung đan chiếu của gia đình, ông Phố bồi hồi chia sẻ: “Nghề cổ chỉ mang tiếng vậy thôi chứ giờ mấy ai theo nghề. Công việc vất vả, nhưng thu nhập lại rất thấp so với công sức bỏ ra, nên nhiều người chuyển sang làm nghề khác để trang trải cuộc sống. Giờ chỉ còn các cụ cao niên và phụ nữ lớn tuổi còn dệt chiếu, với mong níu giữ nghề truyền thống cha ông”.
Còn sức là còn giữ nghề
Nghề chiếu không còn là công việc tạo ra kinh tế cho người dân, nhưng vì nhớ nghề, tiếc nghề, phần vì chỉ biết làm nghề, không ít người con của làng chiếu năm nào vẫn chọn “thủy chung” với nghề dệt chiếu.
Biết dệt chiếu từ thuở thiếu thời, năm nay bà Nguyễn Thị Phước đã 65 tuổi. Bao nhiêu năm tuổi đời là bấy nhiêu năm tuổi nghề, nhưng chưa bao giờ bà nghĩ sẽ thôi dệt chiếu. Trong căn nhà cấp 4 kiểu cũ, bà cùng người chị họ của mình vẫn bền bỉ bám nghề.
Hiện nay tuổi đã cao và mắt mờ, họ chỉ dệt được 1 đôi chiếu mỗi ngày. Bán đôi chiếu này được 100 ngàn đồng, tiền nguyên liệu cũng khoảng 50 ngàn đồng. Tiền công còn lại chẳng đáng là bao.
“Già cả rồi cũng chẳng biết làm việc gì ngoài dệt chiếu, con cái cũng ngăn cản bảo làm chi cực khổ vậy mà chẳng kiếm được bao nhiêu. Nhưng bỏ sao được, một ngày không dệt là nhớ nghề, đứng ngồi không yên, rồi cũng đem khung ra dệt. Tiền công mỗi ngày dù không nhiều, nhưng quan trọng mình vẫn sống được với nghề và tự hào về cái nghề của quê hương. Còn sức là còn giữ nghề”, bà Phước bùi ngùi chia sẻ.
Một chiếc chiếu cói dệt thủ công truyền thống có giá dao động từ 100-250 ngàn đồng/chiếc tùy vào kích cỡ, kiểu dáng. Nếu trừ đi chi phí, nhà nghề chỉ lời khoảng 10 ngàn đồng/chiếc, một ngày lời cao lắm 40 ngàn đồng thì không đủ công lao động.
Chính vì thế, hầu hết dân làng đều bỏ nghề dệt cói để làm công việc khác, cải thiện đời sống. Những thanh niên trẻ tuổi cũng tìm về các khu công nghiệp hoặc nhà hàng, khách sạn ở Hội An, Đà Nẵng để mong có thu nhập ổn định hơn.
Theo ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, để tiết kiệm công sức bỏ ra, nhiều người cũng đầu tư máy dệt chiếu. Dệt máy trung bình mỗi ngày một người làm được 9 chiếc chiếu với tiền lương khoảng gần 150 ngàn đồng/ngày. Nhưng công lao động vẫn thấp so với ngành nghề khác, nên nhiều lao động không mặn mà.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế thấp, hiện nay nguồn nguyên liệu cũng trở thành vấn đề nan giải. Những cánh đồng đay, cói bị xâm nhập mặn không phát triển. Họ phải nhập nguyên liệu từ nơi khác, nhưng giá sản phẩm vẫn không tăng, tiền công lao động thu về rất thấp, chẳng đáng là bao.
Làm gì để khôi phục làng nghề, không chỉ là nỗi đau đáu của những người con làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch. Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết: “Tại làng chiếu Bàn Thạch, địa phương đang tính đến phương án phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đưa người dân làng nghề vào phục vụ du lịch, có thể là phương án phù hợp để khôi phục, phát triển lại làng nghề”.