1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làm việc trong các tổ chức quốc tế

Hơn 100.000 tổ chức quốc tế đang săn lùng các tài năng trẻ. Ở Pháp, Bộ Ngoại giao trực tiếp mở các cửa cho thanh niên đi ra nước ngoài.

Hợp đồng trong mơ

 

“Cần tuyển chuyên viên kinh tế, thông thạo Anh ngữ, làm việc ở Thuỵ Sĩ, lương khởi điểm 2.500 euro/tháng”. Lời mời chào ấy xuất hiện trên nhiều tờ báo châu Âu và website, xuất phát từ UNCTAD (một tổ chức của Liên hợp quốc chuyên về thương mại phát triển).

 

Ngoài lương cứng ra, nếu có con, hàng năm nhân viên được trợ cấp thêm 4.000 euro, được đảm bảo 75% chi phí học hành của con cái; nếu vì lý do nào đấy phải rời bỏ nhiệm sở sẽ được đền bù 2 tháng lương, một chi phiếu trị giá 15.000 euro cho một chỗ ở mới, đó là chưa kể được trợ cấp tiền nhà 500 euro/tháng. Họ được nghỉ phép về quê 2 năm một lần, toàn bộ chi phí đều được đài thọ và hưởng nguyên lương.

 

Từ năm 1921, các tổ chức liên chính phủ đã bắt đầu đi săn lùng nhân viên trẻ. Phong trào ấy càng bùng phát khi nhiều rào cản được xoá bỏ và nhu cầu thông tin liên lạc không ngừng tăng.

 

Một nhân viên làm việc cho các tổ chức quốc tế thường lĩnh mức lương cao hơn lương ở bản quốc 30 - 50% trở lên. Chẳng có gì ngạc nhiên khi giới trẻ châu Âu và Mỹ đua nhau nộp đơn ứng thi. Tất nhiên, họ đều hiểu, mình sẽ phải vượt qua những cuộc sàng lọc khắc nghiệt.

 

Một cách nhìn mới

 

Hơn 13.000 thanh niên Pháp đang làm việc cho các tổ chức quốc tế (chiếm tỉ lệ 12% trong khi dân số Pháp chỉ chiếm 1% thế giới). Trong đó hơn 4.000 người đang phục vụ dưới lá cờ Liên hợp quốc và các tổ chức vệ tinh (HCR, UNICEF, BIT, WHO, UNESCO…) 3.500 người làm việc cho NATO, OECD (tổ chức các nước công ngiệp phát triển), trung tâm dự báo khí tượng châu Âu…; 2.500 người khác hết lòng vì “màu cờ sắc áo” của Hội đồng nghiên cứu hạt nhân Châu Âu.

 

Người châu Âu không hề xem đây là chảy máu chất xám mà ngược lại, họ khuyến khích giới trẻ học hỏi và phục vụ đồng loại. Hàng tháng, có hàng trăm cánh cửa mở ra cho thanh niên Pháp với đủ mọi lĩnh vực như quân sự, y tế, giáo dục, văn hoá, ngoại giao.

 

EC có lẽ là tổ chức duy nhất đảm bảo suốt đời chế độ trợ cấp (hoặc công việc chính thức cho tới tuổi nghỉ hưu) cho nhân viên. Các tổ chức khác thường chỉ ký hợp đồng từ 2-5 năm, nhưng dù muốn bước qua ngường cửa nào đi nữa, mọi ứng viên đều phải có trình độ Anh ngữ hoàn hảo,có kiến thức và kinh nghiệm ngoại giao, sau nữa là thông thạo một ngoại ngữ ít phổ biến.

 

Có những người công tác ở một “chốt” vài ba năm, vừa làm vừa học, lại chuyển sang “chốt” khác, phần vì sở thích phần vì có tương lai hơn. Chẳng hạn như Teronique Le Blanc làm việc cho HCR (Cao uỷ người tị nạn Liên hợp quốc) vừa mới nhảy sang NaTo. Những ứng viên biết tiếng Ukraina và tiếng nga càng có cơ may làm việc cho Nato. Vốn hiểu biết về Đông Âu càng nhiều thì càng dễ lọt qua cửa này. Đó là yêu cầu đặc biệt.

 

Đãi ngộ đặc biệt

 

Lương cao: để thu hút nhân tài rất nhiều tổ chức quốc tế đã trả lương rất hậu. Một “lính mới” ở Uỷ ban châu Âu (Bruxelles - Bỉ) đã được mức lương 12.000 euro/tháng.

 

Miễn thuế: Những ai làm việc cho các tổ chức quốc tế thường được miễn tất cả các loại thuế ở nước bản xứ. Tiền đóng góp cho Quỹ an ninh xã hội của họ chỉ là 12% lương trong khi với người bình thường là 16,85%. Với các công ty tư nhân, con số này còn lên tới 21%

 

Đảm bảo công ăn việc làm suốt đời là một chiêu thức quan trọng của EC. 28.000 viên chức của tổ chức này có thể ăn ngon ngủ yên mãi.

 

Thưởng nhiều, lắm bổng lộc cũng là một chiến thuật chiêu binh. Chẳng hạn, con cái được chu cấp học phí, tiền nhà coi như biếu không, tiền vé máy bay khứ hồi miến phí khi về quê.

 

Theo Sinh Viên Việt Nam