Làm việc online: Bí quyết nào tạo động lực cho nhân viên?

Nguyễn Việt Linh

(Dân trí) - Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, làm việc từ xa trở thành xu thế phổ biến tại nhiều doanh nghiệp. Vậy bí quyết nào để gắn kết nhân viên, tạo động lực làm việc cho tập thể trong bối cảnh này?

Tuy nhiên có rất nhiều thách thức phát sinh, từ việc tìm cách để giữ nhân viên, bảo đảm năng suất... cho đến việc duy trì sự gắn kết để nhân viên luôn có động lực làm việc, duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất.

Nếu doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm tới nhân viên, đó sẽ là chìa khóa để tạo sự gắn kết và làm việc hiệu quả.

Hy vọng những điều dưới đây sẽ là những ý tưởng thiết thực và tạo cảm hứng để các doanh nghiệp tăng cường gắn kết với nhân viên và xử lý một số tình huống thực tế xảy ra tại khi làm việc từ xa.

1. Giao tiếp cởi mở, thông tin minh bạch

Giao tiếp là thách thức lớn khi làm việc từ xa, nếu không được quản lý tốt đây có thể là quả bom làm giảm hiệu quả và gây những xung đột nội bộ. Không được "gặp mặt" thường xuyên, việc giao tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động, giữa quản lý với nhân viên, giữa các đồng nghiệp rất cần sự cởi mở, các thông tin minh bạch và trung thực.

Làm việc online: Bí quyết nào tạo động lực cho nhân viên? - 1

Ảnh minh họa.

Để thực hiện tốt việc này cần đề cao vai trò của văn hóa doanh nghiệp và các công cụ truyền thông nội bộ. Đặc biệt là vai trò của các quản lý cấp trung trong việc giao tiếp và truyền tải các thông tin tới toàn bộ nhân viên.

2. Ứng dụng công nghệ

Công nghệ là thứ không thể thiếu khi làm việc từ xa, tuy nhiên sử dụng nền tảng nào để tăng sự gắn kết lại là vấn đề. Hãy suy nghĩ đến việc sử dụng các nền tảng họp trực tiếp thay thế cho những kênh nội bộ hiện tại như email, việc này có thể tránh được sự hiểu nhầm hay xung đột không đáng có.

Ngoài ra trong trao đổi công việc cũng nên dùng nhiều những biểu tượng cảm xúc như mặt cười, vỗ tay, chúc mừng... để tạo cảm giác dễ chịu trong giao tiếp qua các tin nhắn.

Bên cạnh đó để đảm bảo thông tin minh bạch và tăng tương tác trong các nhóm làm việc, các nền tảng quản lý công việc cũng là những thứ nên ứng dụng. Những nền tảng này giúp việc trao đổi thông tin theo các luồng cố định, điều đó tăng cường sự tương tác trong nhóm và khuyến khích nhân viên đưa các ý tưởng sáng tạo.

3. Học tập theo nhóm

Những xu thế về giá trị công việc đã thay đổi, nhất là sau đại dịch Covid-19, ngày càng nhiều người tin rằng các cơ hội phát triển cũng quan trọng như tiền lương và phúc lợi. Việc học hỏi và phát triển mang lại những cơ hội lớn hơn trong sự nghiệp. Chính vì vậy học tập và phát triển sẽ tạo cảm hứng cho nhân viên và tăng sự kết nối, gắn kết với doanh nghiệp.

Trong báo cáo học tập tại nơi làm việc gần đây của LinkedIn, 95% mọi người nói rằng học tập cùng nhau giúp tạo ra cảm hứng. Ngoài ra học tập cùng nhau cũng sẽ giải quyết vấn đề thiếu tương tác xã hội với đồng nghiệp qua đó giảm căng thẳng và tăng sự hài lòng của nhân viên.

Đó là lý do tại sao nên tổ chức các nhóm học tập và hoạt động học tập chung, ngay cả khi đó chỉ là trò chuyện trong nhóm hoặc qua hội nghị truyền hình.

4, Thêm thời gian cho các ý tưởng và dự án cá nhân

Một chương trình nổi tiếng của Google là cho phép nhân viên nghỉ 20% ngày làm việc và thực hiện các dự án cá nhân, điều này có thể mang lại lợi ích cho gã khổng lồ công nghệ. Bên cạnh những dự án thành công, một điều đáng chú ý là nó giúp nhân viên tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, từ đó giúp giảm hàng tỷ đô la mỗi năm do căng thẳng ở nơi làm việc.

Vì vậy khi nhân viên có thêm thời gian cho các ý tưởng, dự án cá nhân giúp kết nối giữa các nhân viên giảm áp lực công việc và tạo động lực thêm cho nhân viên.

5. Các hoạt động kết nối

Cho dù hiệu suất là điều quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn chính là sức khỏe cả thế chất và tinh thần của nhân viên. Các hoạt động kết nối thường xuyên giữa công ty với nhân viên, giữa nhân viên với nhau không chỉ đảm bảo sức khỏe tinh thần mà còn tạo động lực khi làm việc từ xa và là sợi dây giữ mối liên hệ gắn kết bền chặt hơn.

Những hoạt động này không khó khăn để tổ chức online, ví dụ: thể dục tập thể hàng ngày, cafe online hàng tuần, các trò chơi mang tính thi đua như: chia sẻ khoảng khắc làm tại nhà, tìm hiểu về đồng nghiệp hay các cuộc thi thể dục thể thao.... Lưu ý các hoạt động nên hướng đến sức khỏe, giao tiếp và tập trung vào hoạt động nhóm.

Dành thời gian và tiền bạc cho sự tham gia của nhân viên nhất là khi làm việc từ xa có thể là chìa khóa mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nó cải thiện khả năng gắn kết, thúc đẩy tinh thần và làm tăng năng suất.

Tuy nhiên không phải tất cả các hoạt động này đều sẽ thành công, nhất là nếu nhân viên hoài nghi những hoạt động này chỉ để giám sát hoạt động của họ. Vì vậy để thành công trước hết phải xuất phát từ tâm và những cam kết của doanh nghiệp.