Làm việc lệch giờ, lệch ca… gây nhiều lo ngại ở TPHCM
Nhiều ý kiến cho rằng phương án bố trí thời gian làm việc lệch giờ, lệch ca mà TPHCM vừa khởi động lại tuy có thể kéo giảm lưu lượng phương tiện lưu thông trong giờ cao điểm nhưng sẽ tác động đến kinh tế xã hội, gây đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của nhiều gia đình.
Ngày 30/12, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2017, ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết trong năm tới, TPHCM sẽ nghiên cứu thực hiện nhiều giải pháp chống kẹt xe, trong đó có phương án làm việc lệch giờ, lệch ca.
Phương án này đã được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu, báo cáo UBND thành phố quyết định sau Tết Đinh Dậu 2017.
Đảo lộn cuộc sống
Bà Dung (40 tuổi, ngụ phường 6, quận 3) cho rằng bố trí làm việc lệch giờ, lệch ca sẽ gây xáo trộn giờ giấc và lịch trình làm việc trong ngày của người dân. “Ông xã làm việc ở Bình Dương, ngày nào cũng đi sớm. Bình thường tôi có thể làm hai ba việc cùng lúc. 6 giờ 30 rời khỏi nhà, chở hai đứa nhỏ đi học. Thằng lớn học cấp 2, vào lớp lúc 6 giờ 45. Con bé học tiểu học, vào học lúc 7 giờ.
Đưa con đến trường xong, tranh thủ trên đường đi làm, tôi tạt qua chợ mua vài thứ, đến cơ quan vừa kịp giờ làm việc (8 giờ). Nếu giờ giấc làm việc sớm hơn, tôi lo không kịp đưa con đi học buổi sáng, buổi chiều chạy lòng vòng chờ đến giờ rước con. Còn bố trí trễ hơn thì sau khi con vào lớp, mẹ phải chạy lòng vòng ngoài đường một lúc mới đến giờ làm và buổi chiều các con phải ngồi chờ cả tiếng mẹ mới tan sở… Phụ huynh thuê xe ôm đưa đón con có khi càng làm cho xe đông hơn, ùn tắc càng trầm trọng hơn”, bà Dung nói.
“Triển khai giải pháp đi làm lệch ca, lệch giờ sẽ đụng chạm nhưng vì cái chung thì vẫn phải làm” - Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Một số chuyên gia cho rằng hệ thống xe buýt học đường ở TPHCM còn hạn chế và chưa phủ kín thì việc áp dụng làm việc lệch giờ, lệch ca cần hết sức cân nhắc vì không chỉ gây phiền hà cho hàng vạn gia đình mà các trường học cũng gặp khó khăn phải bố trí người quản lý học sinh trong thời gian cha mẹ chưa kịp đến đón.
TS Nguyễn Hữu Trí, chuyên gia đô thị cho rằng việc bố trí làm việc lệch giờ, lệch ca có thể dẫn đến tình trạng cán bộ công chức, người lao động “đi trễ, về sớm” để kịp đưa đón con, hoặc lo lắng, không tập trung làm việc sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ công.
“Có rất nhiều giải pháp giảm ùn tắc như tổ chức lại giao thông, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, hạn chế đỗ xe trên đường, di dời bến xe, trường đại học, cao đẳng ra ngoại ô, thu phí ô tô vào trung tâm,… Nếu làm tốt rồi mà kẹt xe vẫn không giảm thì mới tính đến việc bố trí làm việc lệch giờ, lệch ca vì giải pháp này tác động trực tiếp đến đời sống người dân”, TS Trí nói.
Hai lần bị “thẻ đỏ”
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, thực hiện làm việc lệch giờ, lệch ca tác động đến một bộ phận người dân là khó tránh khỏi nhưng không vì thế mà bàn lùi. Trong quá trình triển khai, những vấn đề phát sinh sẽ được tiếp tục xem xét, điều chỉnh phù hợp. Trước mắt, có thể nghiên cứu, áp dụng thí điểm cho một khu vực hoặc một nhóm đối tượng để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.
“Tôi đi công tác nước ngoài thấy công chức hành chính đi làm trễ về trễ, khối nhà máy sản xuất đi làm sớm về sớm…, thời gian lệch nhau một tiếng. Thế giới đã làm rồi và mang lại hiệu quả. Nếu mình cứ bàn lui thì muôn đời không làm được”, ông Khoa nói.
Đề án học lệch giờ, làm lệch ca được UBND TPHCM chỉ đạo nghiên cứu từ năm 2001. Năm 2007, UBND TPHCM chính thức đưa giải pháp này vào kế hoạch số 6650 về giảm ùn tắc giao thông. Theo đề xuất của UBND TPHCM lúc đó, cán bộ công chức viên chức người lao động thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp, hành chính công, các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương làm việc trong khoảng thời gian 7 giờ - 16 giờ hoặc 8 giờ - 17 giờ. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được HĐND TPHCM thông qua.
Sau đó, UBND TPHCM quyết định thí điểm một phần đề án bằng cách bố trí lại giờ học các trường, các bậc học với thời gian lệch nhau khoảng 15 phút, đồng thời điều chỉnh giờ làm tại một số khu chế xuất - khu công nghiệp.
Năm 2009, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội lại đề xuất thực hiện đề án làm việc lệch ca, lệch giờ đối với các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp. Cụ thể: Thời gian làm việc từ 8 giờ hoặc 8 giờ 30; kết thúc vào lúc 16 giờ 30 đến 17 giờ (nghỉ trưa từ 30 đến 60 phút). Các doanh nghiệp nhà nước làm việc lúc 7 giờ, kết thúc lúc 15 giờ 30 (nghỉ trưa 60 phút). Riêng các phòng công chứng, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính bắt đầu làm việc lúc 9 giờ. Một lần nữa, HĐND TPHCM lại phủ quyết.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 9 (đề nghị không nêu tên) cho rằng việc bố trí lệch giờ vào học, giờ tan trường giữa các trường, các cấp học trên địa bàn quận đã góp phần giảm ùn tắc giao thông.
“Trường tiểu học và THCS Phước Bình cạnh nhau và gần chợ, thời gian vào học, tan trường lệch nhau khoảng 15 - 30 phút, phụ huynh trường này tập trung đưa rước con xong mới đến trường kia. Vì vậy, tình trạng ùn tắc không còn xảy ra thường xuyên dù cả hai trường nằm gần chợ Phước Bình”, ông nói.
Theo Báo Tiền phong