Làm quản lý đừng ngại khắt khe nếu muốn nhân viên giỏi

Quản lý giỏi là người dám đưa ra đề bài khó, nghiệm thu liên tục và thúc giục nhân viên.

Chúng ta nói nhiều đến sự ích kỉ, cố chấp của một nhà lãnh đạo khi tạo ra những áp lực khiến nhân viên phải rời đi, nhưng có mấy ai chịu hiểu, nếu vượt qua sự khắt khe ấy, bạn sẽ có cơ hội đưa trình độ chuyên môn của mình lên mức đáng ngưỡng mộ đấy!

"Muốn ngồi vị trí không ai ngồi được, thì phải chịu cảm giác không ai chịu được"

Ai trong chúng ta cũng đều mơ ước có được thành tựu cho riêng mình, người nhẹ nhàng thì sẽ phấn đấu để có được vị trí cao hơn trong công việc, kẻ tham vọng thì nuôi hoài bão làm "ông nọ-bà kia". Nhưng đáng tiếc thay, đa số những dự định đó chỉ dừng lại ở trong suy nghĩ, trong mơ hồ chứ chưa bao giờ bạn đủ mạnh mẽ để kéo nó ra ngoài hiện thực. Vài người dám dấn thân hơn, nhưng vì áp lực từ mọi phía bủa vây một cách dồn dập khiến họ đành dang dở ước mơ bấy lâu từ "trong trứng nước".

Làm quản lý đừng ngại khắt khe nếu muốn nhân viên giỏi - 1

"Muốn ngồi vị trí không ai ngồi được, thì phải chịu cảm giác không ai chịu được"

Tôn Ngộ Không ngày xưa, nhờ được nung trong "lò bát quái" của Thái Thượng Lão Quân mà mới có một thân thể "mình đồng da sắt", nhờ thế mà chẳng sợ hiểm nguy, luôn xung pha vào những trận chiến khó khăn nhất để phò tá Đường Tăng đi thỉnh kinh.

Thành công cũng thế, ở mỗi vị trí sẽ có những giác cảm khác nhau khi bạn trên con đường hoàn thiện giấc mơ của mình, sẽ có lúc bạn cảm thấy nghẹt thở, sẽ có lúc bạn cảm thấy bị dư luận đè nặng, cũng sẽ có lúc bạn cảm thấy mình cô đơn vì chỉ có một mình đứng ra và bảo vệ cái đích mà bạn đang theo đuổi.

Người yếu vía thì đành chịu "lỡ duyên" vì chẳng thể tải nổi những gian nan ấy, còn kẻ bất chấp thì đành xông pha để tích lũy kinh nghiệm. Suy cho cùng, thành hay bại cũng đều do "tôi luyện" một phần mà ra.

Thay vì chấp nhận "thử lửa" để trưởng thành, nhiều người sẵn sàng "quay lưng" vì không đủ sức đề kháng để vượt qua thử thách

Sung sướng thì có thể chỉ mất 1 giờ để làm quen, nhưng khó khăn có khi học cả đời cũng chẳng thể quen nổi. Đi làm ai cũng mong mình sẽ được "việc nhẹ lương cao", nhưng khái niệm đó sẽ chẳng bao giờ tồn tại trong cơ chế thị trường vốn có tính cạnh tranh gay gắt và đào thải liên tục như thế này.

Thực tế hiện nay, có quá nhiều người định kiến với quản lý, cấp trên của mình, họ kêu gào vì "Giao việc quá sức tưởng tượng, cách hành xử trong công việc quan liêu, dồn ép họ làm việc một cách quá đáng..." đến mức họ phải phát sợ mỗi khi đi làm.

Vậy đã bao giờ bạn đặt câu hỏi ngược lại rằng: Tại sao người làm sếp không phải bạn mà lại là người ấy chưa?".

Để ngồi được ở vị trí lãnh đạo như hiện tại thì quản lý của các bạn cũng đã phải nếm trải đủ các cung bậc cảm xúc trong công việc. Bạn đừng nghĩ họ làm quản lý mà nhàn nhé (nhất là quản lý cấp trung) vì họ liên tục phải sống trong cảm giác "trên búa dưới đe".

Họ là cầu nối điều hành công việc khi vừa phải truyền tải được thông điệp của cấp cao hơn, vừa phải điều hành và phân phối đầu việc cho nhân viên của mình sao cho đảm bảo đúng tiến độ công việc...

Đáng tiếc, thay vì suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, nhiều người lại bẻ lái chúng đi theo một chiều hướng khác, nghĩ rằng sếp đang cố tình làm khó và đè nén mình. Đó thực sự là một cách nghĩ sai lầm.

Thay vì chấp nhận rèn rũa bản thân lên một tầm cao mới, nhiều người sẵn sàng chấp nhận quay lưng đi để tìm một môi trường nhẹ nhàng hơn. Từ sâu bên trong, khả năng chịu áp lực của họ là không có.

Quản lý giỏi là người dám đưa ra đề bài khó, nghiệm thu liên tục và thúc giục nhân viên

Đừng ngại va chạm trong quá trình quản lý, bởi đó là điều không tránh khỏi. Bạn cũng đừng thắc mắc quản lý gì mà kiến thức này không rõ, kiến thức kia chẳng thông, vì không ai dám chắc mình có thể nắm vững được tất cả các vấn đề ở trên thế giới này. Chức năng của quản lý là định hướng, là tạo ra đề bài để cho nhân viên của mình có thể vận dụng tối đa hết những kỹ năng, kiến thức để giải được những bài toán ấy.

Xây dựng được một tập thể nhân viên giỏi, hiểu ý, điều đó đồng nghĩa với việc nhà quản lý đã thành công trong việc xây dựng nên những "vệ tinh" chất lượng xung quanh mình để cùng gánh vác những trách nhiệm lớn, đi được những bước đường dài hơn và kiến tạo nên nhiều thành công bền vững hơn. Tất nhiên, công việc này cần phải được thực hiện một cách mềm mại và khéo léo, bởi nó chỉ cần "thiếu một chút thì nhạt và thừa một chút lại thành không hay".

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp