1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lạm dụng lương tối thiểu

Việc các doanh nghiệp chỉ căn cứ mức lương tối thiểu vùng để trả lương khiến mức lương của đại đa số người lao động hiện nay chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn chút ít so với mức lương tối thiểu

Tại buổi khảo sát về tình hình thực hiện Bộ Luật Lao động năm 2012 của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM mới đây, bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng Phòng Quản lý lao động các KCX-KCN TP HCM (Hepza), cho biết: Tuy hằng năm, các doanh nghiệp (DN) đều thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) nhưng qua thống kê cho thấy tiền lương của NLĐ không cao, hầu hết chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng từ 7% đến 12%, tức từ 4 triệu đến 4,3 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm phụ cấp và các khoản hỗ trợ khác).

Thang, bảng lương: Có mà không thực hiện!

Theo bà Thư, bên cạnh việc điều chỉnh lương, hằng năm, các DN cũng tiến hành xây dựng thang, bảng lương gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Song, số DN gửi thang, bảng lương về cho Hepza chỉ đạt tỉ lệ 60%-65%.

Nhiều cuộc tranh chấp lao động đã xảy ra khi doanh nghiệp điều chỉnh lương không đúng quy định
Nhiều cuộc tranh chấp lao động đã xảy ra khi doanh nghiệp điều chỉnh lương không đúng quy định

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều DN không áp dụng đúng thang, bảng lương đã xây dựng còn xảy ra. DN không nâng bậc mà chỉ điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định, dẫn đến NLĐ làm việc lâu năm có mức lương bằng với NLĐ mới tuyển hoặc có nâng lương nhưng không đúng theo thang, bảng lương đã xây dựng. “Chính những hành vi này của DN đã gây ra nhiều cuộc tranh chấp lao động tập thể nhưng hiện nay vẫn chưa có chế tài xử phạt” - bà Thư cho biết.

Ngoài việc xây dựng thang, bảng lương “cho có” để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, đánh giá cơ chế tiền lương trong DN hiện nay còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Theo đó, dù nghị định về lương tối thiểu của Chính phủ chỉ quy định mức lương sàn song DN lại dùng mức này để áp cho đa số NLĐ. Các DN còn xây dựng thang, bảng lương thành nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản như: mức lương, phụ cấp, trợ cấp, các khoản bổ sung khác để trốn đóng BHXH.

“Chính vì lẽ đó, trong nhiều DN hiện nay, tồn tại 3 loại lương: lương tham gia BHXH và giải quyết chế độ chính sách, lương để quyết toán thuế, lương thực trả cho NLĐ. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra chính sách tiền lương đối với các DN” - ông Năm nhìn nhận.

Cần sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định còn được nhiều DN lấy làm chuẩn về mức đóng BHXH. “Một thực tế đang xảy ra phổ biến là có nhiều DN trả lương cho NLĐ khá cao nhưng chỉ khai mức đóng BHXH bằng mức lương tối thiểu vùng để giảm chi phí. Trong khi đó, khi khai với cơ quan thuế, các DN lại kê ra các mức lương cao để tăng chi phí nhằm kéo giảm mức thuế phải đóng” - bà Thu dẫn chứng.

Để ngăn chặn tình trạng trên, bà Thu cho biết BHXH Việt Nam đã ký quy chế phối hợp với Tổng cục Thuế. Theo đó, hằng quý, năm, cơ quan thuế sẽ cung cấp cho cơ quan BHXH số liệu chi phí về tiền lương mà DN khai báo để đối chiếu với mức lương tham gia BHXH. Tuy nhiên, từ khi có quy chế đến nay, cơ quan thuế có gửi bảng lương hay không thì cơ quan BHXH cũng không nắm được.

Cần tăng cường xử phạt

Bên cạnh kiến nghị cần khẩn trương ban hành Luật Tiền lương tối thiểu để áp dụng và thực hiện theo cơ chế thị trường, ông Nguyễn Tất Năm còn đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế xử phạt đối với hành vi không ban hành quy chế trả lương, thưởng, nâng bậc lương hoặc có xây dựng nhưng không thực hiện đúng nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Đồng thời, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không xây dựng, không gửi thang, bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước và không thực hiện đúng thang bảng lương đã xây dựng.

Theo bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, bên cạnh việc trả lương cho NLĐ bằng mức tối thiểu vùng, hiện nay, các DN còn thường xuyên thay đổi hình thức trả lương: khi thì từ lương thời gian chuyển sang lương sản phẩm, lúc lại đổi sang lương khoán khiến NLĐ vô cùng bức xúc, hoang mang. Bên cạnh đó, hiện chưa có căn cứ xác định các yếu tố chủ yếu định lượng mức lương tối thiểu vùng để Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, dẫn đến khó thống nhất ý kiến khi đề xuất mức lương tối thiểu vùng áp dụng hằng năm.

Ngoài ra, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng hằng năm luôn khiến cả NLĐ và DN hồi hộp. NLĐ thì không biết sẽ được tăng bao nhiêu, có đủ bù cho vật giá leo thang khi rục rịch tăng lương hay không; còn DN thì không biết trước được mức tăng để dự toán mức chi phí sản xuất - kinh doanh. Do vậy, nhà nước nên sớm ban hành luật về lương tối thiểu để giải quyết triệt để các vấn đề nêu trên.

Theo Báo Người lao động