1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làm điều dưỡng viên, hộ lý có mức lương tháng 40 - 60 triệu đồng

(Dân trí) - “180 ứng viên điều dưỡng viên, hộ lý được tuyển chọn sẽ học nghề, làm việc từ 3-4 năm tại Nhật Bản. Trong thời gian này, họ được thi lấy chứng chỉ hành nghề lâu dài. Theo khảo sát, mức lương chính thức của điều dưỡng, hộ lý sẽ từ 2.000-3.000 USD/người/tháng”.

Điều dưỡng viên làm việc tại Nhật Bản
Điều dưỡng viên làm việc tại Nhật Bản

Chiều 20/10 tại Hà Nội, ông Tống Hải Nam - Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - trao đổi thông tin xung quanh khóa 3 tuyển ứng viên điều dưỡng và hộ lý (gọi tắt là ứng viên) sang học nghề, làm việc tại Nhật Bản.

Chương trình hiện do 1 đầu mối duy nhất triển khai tại Việt Nam là Cục Quản lý lao động ngoài nước. Người lao động quan tâm liên hệ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước để có thông tin chính xác.

Giải thích thêm, đại diện Cục Quản lý lao động Ngoài nước cho biết, khoảng giữa tháng 12/2014, khóa 3 sẽ được tổ chức tuyển chọn 180 ứng viên tham gia chương trình học nghề, làm việc tại Nhật Bản.

“Đây là hoạt động tiếp nối những cam kết giữa 2 chính phủ Việt Nam và Nhật Bản có từ năm 2012 về việc di chuyển thể nhân. Theo đó, chương trình đã được cụ thể hóa thông qua 2 khóa đào tạo với 318 ứng viên. Trong đó, 138 ứng viên đã sang Nhật Bản và được bố trí tới các cơ sở tiếp nhận. Số còn lại đang học tiếp 12 tháng tiếng Nhật tại Việt Nam” - ông Tống Hải Nam cho biết.

Về yêu cầu tuyển ứng viên hộ lý: Các công dân Việt Nam tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (4 năm), không quá 35 tuổi (ngày sinh từ 01/01/1979 trở đi), đủ điều kiện về sức khỏe do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận…

Người lao động đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định sẽ được tuyển chọn đưa vào đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức. Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3.


Với ứng viên điều dưỡng, ngoài những tiêu chí nêu trên đối với ứng viên hộ lý cần có thêm các điều kiện sau: Được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh. Ứng viên có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 9 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh).

Ứng viên tham gia chương trình chỉ phải đóng tiền làm thủ tục hộ chiếu và khám sức khỏe, còn lại phía Nhật Bản sẽ hoàn toàn miễn phí các thủ tục khác.

Điều dưỡng viên làm việc tại Nhật Bản
Ông Tống Hải Nam (giữa) đang trao đổi thông tin về chương trình tuyển ứng viên điều dưỡng viên, hộ lý

Theo đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước, kinh phí đào tạo cho 1 hộ lý, điều dưỡng viên từ lúc học cho tới khi sang làm việc tốn khoảng 20.000 USD/người đều do phía Nhật Bản chi trả (gồm tiền ăn, ở và sinh hoạt phí hàng ngày 5 triệu đồng/tháng/người, thuê giáo viên, thuê cơ sở vật chất, kinh phí học tại Nhật Bản). Từ khóa 3, phía Việt Nam sẽ chia sẻ 1 phần chi phí thuê cơ sở vật chất.

Trả lời câu hỏi vì sao Cục Quản lý Lao động thường quản lý các chương trình tuyển lao động sang các thị trường có mức lương hấp dân như Hàn Quốc, Nhật Bản và CHLB Đức? Ông Tống Hải Nam cho biết, đây là những chương trình phi lợi nhuận và không phải do Cục Quản lý lao động ngoài nước tự lựa chọn.

Do phía đối tác nước ngoài yêu cầu cơ quan đầu mối tại Việt Nam phải là cơ quan Nhà nước có đủ thẩm quyền. Với chương trình Hàn Quốc, cả 15 nước phái cử lao động sang Hàn Quốc cũng đều là các cơ quan đầu mối của nhà nước.

“Với chương trình điều dưỡng viên sang Nhật Bản, đối tác yêu cầu trong 5 năm đầu phía Việt Nam phải cử 1 cơ quan Nhà nước làm đầu mối. Còn chương trình điều dưỡng viên sang CHLB Đức, sau 2 khóa họ mới yêu cầu xem xét lại việc có cần cơ quan Nhà nước làm đầu mối nữa không” - ông Tống Hải Nam nói.

Tuy nhiên ông Nam cũng cho biết, việc thi lấy chứng chỉ hành nghề hộ lý và điều dưỡng viên không dễ. Ứng viên điều dưỡng có thể thi 3 lần/3 năm để lấy chứng chỉ. Còn hộ lý thì chỉ có thể thi 1 lần/4 năm.

“Chương trình này tạo cơ hội cho bạn trẻ tốt nghiệp ngành điều dưỡng ở Việt Nam có hội học tập và làm việc tại Nhật Bản, nơi có điều kiện cơ sở vật chất và kỹ thuật tốt. Sau khi về nước, các bạn có cơ hội đóng góp xây dựng cho đất nước” - ông Tống Hải Nam cho biết.

Phan Minh

Người lao động quan tâm tới chương trình có thể tham khảo thông tin chi tiết về hồ sơ đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), địa chỉ: 41 B Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hoặc liên hệ qua số điện thoại: 04.39366633/0438249517 (máy lẻ 511, 513).

Thời gian nhận hồ sơ đăng ký chương trình từ ngày 16-31/10/2014 (trừ thứ 7 và chủ nhật). Người lao đông ở tỉnh xa có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Thông tin chi tiết có thể tham khảo thêm tại địa chỉ website của Cục Quản lý lao động ngoài nước: www.dolab.gov.vn.