1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lái xe khách đường dài giảm 70% thu nhập

Phạm Công

(Dân trí) - Người dân hạn chế đi lại do dịch Covid-19 bùng phát. Điều này khiến nhiều lái xe khách đường dài không đủ việc làm. Nhiều người đứng trước nguy cơ phải nghỉ việc và chuyển nghề.

Thu nhập giảm

Anh Ngô Hữu Dũng là một tài xế với 15 năm kinh nghiệm lái xe khách tuyến Hà Nội - Thanh Hóa. Khi chưa có dịch Covid-19, mỗi ngày anh đều lái xe chở khách từ Thanh Hóa ra rồi đón khách ở Hà Nội vào, với tiền công được trả là 500.000 đồng/ngày.

"Công việc của tôi bắt đầu từ 5h - 16h. Từ ngày dịch bệnh bùng phát trở lại, mỗi tuần tôi chỉ có thể đi được 2 chuyến"- người lái xe 45 tuổi này chia sẻ.

Theo anh Ngô Hữu Dũng, lượng khách giảm 80-90% những ngày qua khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động cầm cự, số lượng chuyến xe chạy giảm quá nửa.

Lái xe khách đường dài giảm 70% thu nhập - 1

Anh Ngô Hữu Dũng có 15 năm kinh nghiệm nhưng đang đứng trước nguy cơ phải bỏ nghề.

Trước đây, công ty nơi anh hoạt động có 8 xe với 8 người tài xế. Các xe chạy tất cả các ngày trong năm, trừ 3 ngày Tết Nguyên đán. Giờ đây, vắng khách do dịch bệnh, công ty chỉ cho hoạt động 2 xe. Như vậy, 6 tài xế phải nghỉ việc mỗi ngày.

"Để san sẻ khó khăn, anh em tài xế chia nhau ra chạy. Trước đây thu nhập của tôi được 3,5 triệu đồng/tuần thì nay giảm xuống còn 1 triệu đồng" - anh Nguyễn Hữu Dũng cho biết.

Cùng tình cảnh trên, anh Nguyễn Cao Kỳ, một lái xe chạy tuyến Ninh Bình - Hà Nội cũng đang rơi vào tình trạng điêu đứng bởi dịch bệnh Covid-19. Anh chia sẻ: "Lái xe chúng tôi được trả lương theo chuyến. Dịch bệnh khiến khách ít di chuyển nên nhà xe cắt giảm chuyến, cánh lái xe chúng tôi cũng không đủ việc làm".

Lái xe khách đường dài giảm 70% thu nhập - 2

Anh Nguyễn Cao Kỳ (bên trái) gặp khó khăn vì thu nhập giảm 2/3.

Suốt 8 năm qua, ngày nào anh Nguyễn Cao Kỳ cũng có 2 lượt đưa khách từ Ninh Bình lên Hà Nội và hai lượt đưa khách về. Từ sau dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, cứ cách 1 ngày anh mới có thể xuất bến được 1 chuyến.

Mỗi chuyến chở khách anh Nguyễn Cao Kỳ được trả công 300.000 đồng. Trước đây, trung bình anh Nguyễn Cao Kỳ có thu nhập 16-17 triệu đồng/tháng. Tháng này, anh cho rằng thu nhập sẽ không quá 6 triệu đồng.

Tìm cách cứu mình

Trao đổi PV, anh Nguyễn Cao Kỳ chia sẻ: "Cả gia đình 2 đứa con nhỏ sống phụ thuộc vào lương lái xe của tôi. Nếu tình trạng này kéo dài, tôi e là không trụ được lâu nữa khi mà chi phí sinh hoạt, tiền đóng học cho con thì vẫn đều đặn hàng tháng còn thu nhập thì giảm quá nửa".

Dự kiến trong thời gian sắp tới, dịch bệnh kéo dài, anh Nguyễn Cao Kỳ sẽ xin nghỉ ở hợp tác xã vận tải để chuyển sang làm lái xe cho một mỏ đá ở gần nhà.

Lái xe khách đường dài giảm 70% thu nhập - 3

Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) vắng khách do dịch bệnh Covid-19.

"Lái xe ở mỏ đá tuy vất vả nhưng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mức thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Điều quan trọng là làm ở đấy thì công việc đều, tôi có thu nhập để trang trải cho cuộc sống và dành những chuyến xe khách mình chạy cho tài xế khác" - anh Nguyễn Cao Kỳ cho hay.

Bám trụ với nghề chạy xe khách được 10 năm, nhưng khoảng hơn 1 năm nay, cuộc sống gia đình anh Phạm Văn Phong, lái xe tuyến Nam Định - Hà Nội gặp nhiều khó khăn vì nguồn thu nhập chính của gia đình giảm đột ngột.

"Đợt lễ vừa rồi, lượng khách tôi chở cũng khoảng 50-80% so với lúc chưa có dịch. Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau kỳ nghỉ lễ khách vắng đột biến. Đợt dịch lần này, cánh tài xế chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều hơn các đợt dịch khác vì dịch lần này lan rộng ở nhiều tỉnh thành nên người dân đi lại bằng xe khách giảm khoảng 90%" - anh Phạm Văn Phong chia sẻ.

Lái xe khách đường dài giảm 70% thu nhập - 4

Anh Phạm Văn Phong tại bến xe.

Để có thêm thu nhập, anh làm thêm cả việc ship đồ cho khách gửi hàng qua xe ô tô tới các địa điểm trong nội thành Hà Nội. Trước đây với công việc này, anh gọi xe ôm chuyển đồ trả khách trong thành phố.

Công việc chuyển hàng gửi đến tận tay khách hàng, cũng đem lại cho anh thu nhập khoảng hơn 100.000 đồng/ngày.

"Trước đây, mỗi ngày tôi chạy 2 lượt Nam Định - Hà Nội. Bây giờ chỉ còn 1 lượt do không có khách, thời gian rảnh tôi nhận trả đồ cho khách gửi xe. Ngoài ra, những hôm về sớm, tôi làm thêm công việc tại một cửa hàng rửa xe gần nhà" - anh Phạm Văn Phong tâm sự.

Theo những tài xế này, những công ty, hợp tác xã vận tải đều có những chính sách hỗ trợ lái xe. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài để có thể sống được bằng nghề, nhiều lái xe khách vẫn cần dịch bệnh Covid-19 sớm qua đi để có lượng khách ổn định trở lại.