1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Có phải trả lương nhân viên cho thời gian khám sức khỏe?

Bà Mai Thị Thu (TPHCM) làm việc theo ca tại TT hỗ trợ khách hàng của công ty dịch vụ viễn thông. Năm 2021, công ty yêu cầu lao động làm vào ngày lễ, tết nhưng chỉ được trả 100% lương ngày làm việc.

Thời gian hội họp, tập huấn, khám sức khỏe định kỳ ngoài ca làm việc cũng không được trả lương.

Theo trả lời của lãnh đạo đơn vị, do bà Thu làm việc theo ca, nên ngày lễ, tết trùng vào ca làm việc của bà thì bà phải đi làm và không tính làm việc ngoài giờ ngày lễ, tết.
Do đó, bà chỉ được trả 100% tiền lương ngày làm việc bình thường. Để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh nên người lao động bắt buộc phải tham gia hội họp, tập huấn, khám sức khỏe định kỳ hàng năm ngoài ca làm việc, không được trả lương và đây là quy định của đơn vị nên người lao động phải chấp hành.
 

Bà Thu hỏi, người lao động làm việc theo ca khi làm việc vào ngày lễ, tết có được hưởng lương làm thêm giờ ít nhất 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết hay không? Công ty yêu cầu người lao động hội họp, tập huấn, khám sức khỏe ngoài ca làm việc nhưng không trả lương thì có đúng quy định pháp luật lao động không? Trường hợp doanh nghiệp cố tình không trả lương làm thêm giờ thì bị xử lý như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Mai Thị Thu như sau:

Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) quy định, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

Tại Khoản 1 Điều 107 Bộ luật này quy định, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

Tương tự, trường hợp làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần quy định tại Điều 112 là làm việc thêm giờ vào ngày nghỉ hàng tuần; trường hợp làm việc vào những ngày nghỉ lễ, tết có hưởng lương quy định tại Điều 113 của Bộ luật này là làm việc thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.

Tiền lương làm thêm giờ

Tiền lương làm thêm giờ được quy định tại Khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 và được hướng dẫn tại Điều 55 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ: Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo Điều 105 của Bộ luật Lao động và được tính theo công thức sau:

Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường  x  Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300%  x Số giờ làm thêm

Trong đó:

- Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, được xác định bằng tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà người lao động làm thêm giờ (không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động; tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động) chia cho tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày người lao động làm thêm giờ (không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng và số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, 1 tuần theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn và không kể số giờ làm thêm);

- Mức ít nhất bằng 150% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường; mức ít nhất bằng 200% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần; mức ít nhất bằng 300% số với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và được tính theo công thức sau:

Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường  x  Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300%  x Số giờ làm thêm

Trong đó:

- Mức ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày thường; mức ít nhất bằng 200% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần; mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.

Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Trường hợp làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.

Hưởng lương khi hội họp, tập huấn, khám sức khỏe định kỳ được tính vào thời giờ làm việc

Điều 58 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương, trong đó có các trường hợp quy định tại các Khoản 6, 7, 9 như sau:

- Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.

- Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 61 của Bộ luật Lao động.

- Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.

Theo đó, trường hợp hội họp, tập huấn, khám sức khỏe định kỳ ngoài giờ làm việc được tính hưởng lương như trong thời giờ làm việc bình thường.

Phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật lao động

Nếu sự việc đúng như bà Mai Thị Thu phản ánh, thì công ty bố trí người lao động làm việc vào ngày lễ, tết nhưng không trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 và hướng dẫn tại Điều 55 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP; không trả lương cho thời giờ người lao động tham gia hội họp, tập huấn, khám sức khỏe định kỳ theo quy định tại Khoản 6, 7, 9 Điều 58 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, là hành vi vi phạm pháp luật về lao động.

Hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu bị phát hiện, lập biên bản vi phạm. Tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động về tiền lương, bao gồm tiền lương làm thêm giờ sẽ được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết nếu có yêu cầu của người lao động.

Về xử phạt vi phạm hành chính: Tại Khoản 2, Khoản 5 Điều 16 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động… (có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, tình trạng còn hiệu lực) quy định phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi:… không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm… theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;

Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động…

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Tại Khoản 2 Điều 50 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có quyền:  Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi nêu trên.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiền lương làm thêm giờ: Tranh chấp về tiền lương, bao gồm tranh chấp về tiền lương làm thêm giờ giữa người lao động và người sử dụng lao động là tranh chấp lao động cá nhân.

Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được quy định tại Chương XIV, Mục 2 (Từ Điều 187 đến Điều 190) Bộ luật Lao động 2019.

Đề nghị bà Mai Thị Thu tham khảo, lựa chọn cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.