1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... "bà hỏa"

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Nghe chuông báo, người chiến sĩ lái xe phòng cháy, chữa cháy phải chỉnh đốn trang phục và có mặt trước vô lăng trong vòng 1 phút. Trên đường đi, các chiến sĩ phải đảm bảo nhanh, chính xác, an toàn.

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... "bà hỏa"

Trước đây khi nhắc tới những người lính phòng cháy, chữa cháy nhiều người thường nghĩ tới các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chữa cháy ở hiện trường những lại ít ai nghĩ tới hình ảnh của người lái xe chữa cháy.

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... bà hỏa - 1

Trung úy Cấn Đặng Tuyên kiểm tra lịch trực của mình tại đơn vị. 

Tuy không trực tiếp làm nhiệm vụ chữa cháy tại hiện trường nhưng không vì vậy mà vai trò và nhiệm vụ của họ lại nhẹ nhàng và ít nguy hiểm hơn. Chuyện nghề tài xế lái những chiếc xe đặc biệt này còn lắm những điều thú vị và nguy hiểm ít người biết đến.

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... bà hỏa - 2
Khi nghe còi báo động, anh lập tức mang áo, ủng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

"Tấm bản đồ" sống của đơn vị

Phần lớn các xe chữa cháy được biên chế cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) được nhập từ nước ngoài, đòi hỏi những cán bộ lái xe phải biết thao tác, điều khiển thành thạo các loại xe.

Trong buồng lái, các nút bấm, điều khiển chủ yếu bằng tiếng Anh, tiếng Đức,… nên người tài xế phải trải qua quá trình đào tạo, huấn luyện thì mới có thể sử dụng các phương tiện.

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... bà hỏa - 3
Công tác chuẩn bị chỉ được diễn ra trong vòng 1 phút.

Trung úy Cấn Đặng Tuyên, lái xe Đội chữa cháy & cứu nạn cứu hộ khu vực I, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP HCM chia sẻ: “Sau khi vượt qua những bài sát hạch của giao thông vận tải thì mình phải trở về tập huấn tại đơn vị. Sau khi được đơn vị duyệt mới có thể sử dụng và vận hành các phương tiện chữa cháy như xe chữa cháy, xe thang cứu nạn cứu hộ và các phương tiện khác được trang bị tại đơn vị”.

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... bà hỏa - 4
Tác phong nhanh nhẹn là điểm quan trọng để các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy.

Anh Tuyên cho biết, để trở thành lái xe chữa cháy đòi hỏi người chiến sĩ phải có nền tảng thể lực tốt, tác phong nhanh nhẹn. Đặc biệt, chiến sĩ lái xe phải quen thuộc đường giao thông nơi đơn vị đóng quân.

“Khi mình nghe thấy chuông báo cháy thì phải mặc đồng phục và lên xe trong vòng 1 phút. Cùng với đó, phải định hình được trong đầu vị trí đám cháy để mình có thể xác định đường đến đám cháy nhanh nhất. Khi lưu thông thì phải chịu thêm áp lực phải giành đường để chạy, đồng thời bảo đảm an toàn cho đồng đội và phương tiện”, anh Tuyên tâm sự.

Đặc thù của xe chữa cháy là có chứa nước nên trọng lượng nặng hơn các xe khách điều này gây khó khăn cho tài xế. Trong những khúc cua xe sẽ chao đảo, khó điều khiển. Điều này đòi hỏi người tài xế phải quan sát, tính toán chính xác nếu có sai sót thì rất dễ xảy ra tai nạn làm thiệt hại về người và tài sản.

Anh Tuyên đã gắn bó với công việc này đã được 11 năm.

“Điều mà khiến bản thân mình cảm thấy sợ nhất là chạy vào các tuyến đường có các dây điện trần, cáp viễn thông quá thấp, rất khó khăn trong việc di chuyển. Lúc đó thì các cán bộ, chiến sĩ phải tìm cách nâng dây điện cao lên để cho xe đi qua. Điều này làm ảnh hưởng đến thời gian mình và đồng đội tới hiện trường để chữa cháy”, anh Tuyên chia sẻ thêm

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... bà hỏa - 6
Khi lái xe anh phải tập chung cao độ để có thể đưa phương tiện và đồng đội của mình đến hiện trường nhanh nhất có thể.

Ngoài nhiệm vụ đưa các chiến sĩ chữa cháy đến hiện trường, các tài xế lái xe còn phải vận hành và theo dõi xe chữa cháy hoạt động. Đối với xe nước thì thao tác lắp các đường vòi và theo dõi mức nước trong bồn chứa để báo cáo với chỉ huy chữa cháy.

Cùng với đó, nếu cháy ở tòa nhà cao tầng thì các tài xế lái xe cũng sẽ là những người điều khiển thang ở các xe thang để đưa lính chữa cháy tiếp cận lựa hoặc người bị nạn chính xác và nhanh chóng.

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... bà hỏa - 7
Anh Tuyên luôn phải xin đường liên tục để có thể tiết kiệm được thời gian chạy xe đến hiện trường .

Tình yêu 11 năm dành cho vô lăng xe chữa cháy

Bắt đầu công việc đặc biệt này từ năm 2009 đến nay, chàng Trung úy Cấn Đặng Tuyên (sinh năm 1986) vẫn không thể nào quên được cảm giác đầu tiên khi bản thân anh được cầm lái chiếc xe đầu tiên.

Đối với anh Tuyên, tham gia vào lượng lực chữa cháy không chỉ vì nó là một công việc với anh nó còn là đam mê, sơ thích là lý tưởng mà anh đã ước mơ từ nhỏ.

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... bà hỏa - 8
Những khi không có nhiệm vụ thì anh đi kiểm tra tình trạng của các xe.

Cũng như những người lính chữa cháy, khi nghe tin báo cháy, lái xe chữa cháy cũng hết sức nóng ruột. Mỗi lần như vậy, anh chỉ mong làm sao tới thật nhanh hiện trường để dập lửa, cứu người, cứu tài sản cho nhân dân. Tuy vậy, không vì thế mà lái xe ẩu, bất chấp, những nguy hiểm trên đường đi luôn thường trực.

“Đặc thù của ngành của mình lúc nào cũng yêu cầu phải nhanh và chính xác nhưng đồng thời cũng phải giữa an toàn cho đồng đội cùng với phương tiện. Tiếp đó là phải lái xe đến đúng vị trí cháy mà người dân đã báo để có thể kịp thời chữa cháy và cứu người”, anh Tuyên cho hay.

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... bà hỏa - 9

Anh Tuyên cho biết, đối với xe chữa cháy khi thực hiện nhiệm vụ, sẽ là xe ưu tiên nên luật không quy định tốc độ cho phép, không giới hạn tốc độ và quy định đường chạy. Các chiến sĩ lái xe có thể tìm đường gần nhất đến đám cháy cả khi phải chạy ngược chiều nhưng phải đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ ngồi trong xe.

Điều làm lái xe khó khăn nhất đó là vấn đề tắc đường, người lưu thông nghe thấy tiếng còi báo hiệu nhưng không chịu nhường đường.

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... bà hỏa - 10

“Đa số người tham gia giao thông thì nghe thấy tiếng còi báo của xe cũng tự giác nhường đường tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp dù nghe còi những vẫn không chịu nhường đường cho xe mình qua. Có thể họ không tập trung vào lái xe nên không nghe thấy. Một vài trường hợp cố tình gây khó khăn cho việc di chuyển của xe chữa cháy”, anh Tuyên bức xúc.

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... bà hỏa - 11
Với sự cố gắng của bản thân, năm 2019 anh nhận được bằng khen của Giám đốc Công an TPHCM

Dù đã trải qua 11 năm chiến đấu với “giặc lửa” nhưng trong bản thân anh Tuyên, mỗi ngày không ngừng học hỏi, trau dồi thêm kiến thức để nâng cao được trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ trong công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

“Đối với bản thân mình công việc này vừa là trách nhiệm vừa là đam mê thể hiện được tinh thần của người lính luôn luôn sẵn sàng trong tư thế để khi có sự cố chạy nổ trên địa bàn TPHCM là mình và đồng đội sẵn sàng đi ngay”, Trung úy Tuyên cho chia sẻ.

Lái xe cứu hoả kể chuyện giành giật từng giây với... bà hỏa - 12
Với anh công việc này không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh mà bản thân anh đã chọn.

Với những nỗ lực bền bỉ, Trung úy Cấn Đặng Tuyên đã được Giám đốc Công an TPHCM  tặng giấy khen vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong năm 2019.

Với Trung úy Tuyên, việc khen thưởng là động lực thêm vững tin và trách nhiệm với công việc. Đối với anh, tính mạng của con người, tài sản của nhân dân vẫn luôn là thứ quan trọng nhất.