1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lạ lùng tàu cá thu gần 8 tỷ đồng nhờ loại mực vừa mặn, vừa đắng

Quốc Triều

(Dân trí) - Sau nhiều tháng lên đênh trên biển hành nghề câu mực xà, có tàu của ngư dân Quảng Ngãi cập bến bán hải sản, thu về gần 8 tỷ đồng, mỗi ngư dân thu nhập 130-150 triệu đồng.

Sau gần 3 tháng lênh đênh ở Trường Sa, ngư dân Trần Tức (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho tàu về bờ bán mực xà. Chuyến này, tàu của ngư dân Tức bắt được hơn 60 tấn mực khô.

Mực xà được thương lái lên tận tàu thu mua với giá 130.000-140.000 đồng/kg. Tính ra tàu của ngư dân Tức thu về gần 8 tỷ đồng cho chuyến biển này.

Lạ lùng tàu cá thu gần 8 tỷ đồng nhờ loại mực vừa mặn, vừa đắng - 1

Tàu câu mực xà cập bến, tiểu thương sẽ đến tận thuyền thu mua cho ngư dân (Ảnh: Quốc Triều).

Do sản lượng cao nên giá mực giảm nhẹ so với mọi năm. Nếu chuyến biển cuối cùng của năm ngoái, giá mực ở mức 170.000 đồng/kg, chuyến này giá mực chỉ còn 140.000 đồng/kg.

"Năm nay mực nhiều lắm, câu không xuể. Giá thấp hơn mọi năm nhưng sản lượng đánh bắt khá nên anh em cũng có thu nhập cao", ngư dân Tức cho biết.

Tàu của ngư dân Tức có 54 thuyền viên. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngư dân kiếm được 130-150 triệu đồng.

Tàu của ngư dân Nguyễn Tấn Dũng (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) chở theo 45 tấn mực khô cũng vừa cập bến. Số mực được bán ngay trong ngày, thu về hơn 6 tỷ đồng.

Năm nay mực xà xuất hiện dày đặc ở vùng biển Trường Sa. Vì vậy nhiều ngư dân câu được hơn 1 tấn mực. Người ít cũng đạt 800-900kg.

"Chúng tôi sẽ nghỉ ngơi khoảng 1 tuần rồi tiếp tục ra khơi. Mong cho chuyến này tiếp tục trúng đậm", ngư dân Dũng chia sẻ.

Mực xà sống ở vùng biển xa bờ, nhiều nhất tại Trường Sa. Mực khá to nhưng thịt rất mặn, khi phơi khô có vị đắng. Do đó, phần lớn mực xà được chế biến thành thực phẩm khô.

Lạ lùng tàu cá thu gần 8 tỷ đồng nhờ loại mực vừa mặn, vừa đắng - 2

Mực xà mặn, khi phơi khô có vị đắng (Ảnh: Quốc Triều).

Nghề câu mực xà cho thu nhập rất cao nhưng cũng là nghề nguy hiểm, nhọc nhằn nhất trong các loại hình đánh bắt hải sản trên biển.

Đến vùng đánh bắt, "tàu mẹ" sẽ thả thúng và ngư dân xuống biển. Mỗi ngư dân ngồi trên một thúng câu mực xuyên đêm. Đến sáng, "tàu mẹ" quay lại đón ngư dân.

Mực sau khi đánh bắt được xẻ, phơi khô ngay trên "tàu mẹ". Công việc nhọc nhằn này kéo dài suốt nhiều tháng liền trên biển.

Do sự nhọc nhằn và nguy hiểm nên hiện chỉ còn ngư dân xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và ngư dân tỉnh Quảng Nam bám trụ với nghề.

Lạ lùng tàu cá thu gần 8 tỷ đồng nhờ loại mực vừa mặn, vừa đắng - 3

Xã Bình Chánh có đội tàu hơn 120 chiếc hành nghề câu mực xà, trong đó có 50 chiếc hoạt động ở Trường Sa, Hoàng Sa (Ảnh: Quốc Triều).

Theo ông Huỳnh Trọng Thân, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Chánh, toàn xã có trên 120 tàu làm nghề câu mực xà, trong đó có khoảng 50 chiếc hành nghề dài ngày ở Trường Sa, Hoàng Sa.

Chuyến biển đầu năm 2024, sản lượng đánh bắt đạt khá cao. Ước tính đội tàu câu mực xà khai thác được 1.500 tấn mực khô. 

"Năm nay mực xà xuất hiện dày đặc ở vùng biển Trường Sa nên ngư dân rất phấn khởi. Các chủ tàu đang tranh thủ bán mực sau đó mua lương thực để tiếp tục ra khơi", ông Thân nói.