Đắk Lắk:
Ký ức về chuyến diệt Fulro, bảo vệ đoàn ca múa nhạc Campuchia
(Dân trí) - Bị thương trong lúc làm nhiệm vụ, chiến sĩ Hoàng Công Vĩnh cùng đồng đội vẫn kiên quyết tháp tùng Đoàn ca múa nhạc Campuchia về nước an toàn trước sự tấn công của tổ chức phản động Fulro.
Cận kề ngày 27/7, chúng tôi có dịp ghé tới thăm nhà ông Hoàng Công Vĩnh (58 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nguyên là đại uý, bệnh binh với tỷ lệ thương tật 81%.
Ông Vĩnh trông già nhiều so với tuổi thật của mình. Thi thoảng, đôi bàn tay của ông run bần bật vì ảnh hưởng của vết thương năm xưa.
Người đàn ông quê gốc huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) vẫn bồi hồi cảm xúc khi được gợi nhớ lại những năm tháng hào hùng khi công tác trong ngành công an.
Năm 1982, ông công tác tại Công an tỉnh Đắk Lắk và sau đó chuyển về lực lượng Cảnh sát cơ động của công an tỉnh.
Đến năm 1983, ông cùng các đồng đội nhận nhiệm vụ kết hợp với lực lượng quân đội đưa Đoàn ca múa nhạc của nước láng giềng Campuchia vừa biểu diễn thành công ở Hà Nội về nước.
Đoàn gồm tất cả 36 người (18 người đoàn ca múa, 18 lực lượng bảo vệ). Khi đoàn di chuyển đến khu vực Đồn 8 khu vực Đắk Lắk giáp với tỉnh Mondulkiri (vương quốc Campuchia), bất ngờ gặp nhóm Fulro lưu vong từ trên đỉnh đồi lao xuống.
Lúc này, quân Fulro liên tiếp nổ súng vào đoàn khiến một trung úy quân đội tử nạn và đạn bắn trúng vùng đầu của ông Vĩnh khiến ông bị thương.
Dù bị địch tấn công bất ngờ nhưng ngay lập tức các chiến sĩ đã nhanh chóng phản công lại, kiên quyết bảo vệ đoàn. Sau những giờ phút chiến đấu căng thẳng, quân Fulro lưu vong thất thế nên bỏ chạy tán loạn. Đồng đội của ông Vĩnh đã bảo vệ và đưa đoàn ca múa nhạc về nước an toàn.
“Tôi bị thương ở đầu máu chảy nhiều nhưng chẳng thấm vào đâu với sự hy sinh của đồng đội. Chúng tôi rất xót thương cho đồng chí ấy. Nhiệm vụ được giao chúng tôi kiên quyết hoàn thành, việc bảo vệ Đoàn ca múa nhạc là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị 2 nước Việt Nam - Campuchia ”, ông Vĩnh cho hay.
Sau chuyến đi Campuchia, ông Vĩnh trở về vào viện điều trị vài ngày rồi lại tiếp tục công tác tại Công an tỉnh Đắk Lắk với nhiều vị trí trong ngành.
Những tưởng, vết thương trên đầu rồi cũng chỉ còn là 1 kỷ niệm nhỏ. Nhưng đến năm 2000, ông Vĩnh bỗng thấy đau đầu dữ dội. Ông không thể tập trung vào công việc, việc đi lại trở nên khó khăn, giao tiếp kém dần. Ông phải nhập viện khẩn cấp.
Tại đây, các bác sĩ đã điều trị, giám định và kết luận ông bị thương tích 81% do ảnh hưởng của trận chiến năm xưa. Từ đó, ông Vĩnh buộc phải ngừng hẳn công việc để theo chữa trị.
Bà Trần Thị Thanh Xuân (vợ ông Vĩnh) cho biết, thời điểm chồng mình phát bệnh, 2 người con còn nhỏ nên gia đình khá vất vả.
Điều bà và các con lo lắng nhất là ông Vĩnh bị chấn thương ở vùng đầu ảnh hưởng đến thần kinh nên nhiều lúc ông lại tự ý đi ra khỏi nhà rồi bị lạc khiến gia đình phải tất bật chạy đi tìm kiếm.
“Đôi lúc ông ấy đi đâu rồi không nhớ đường về nhà, có hôm đi cả đêm gia đình tôi cứ quýnh cả lên đi tìm trong lo lắng. Ông đi không vững nên có đợt té ngã ra đường, 2 ngón tay bị thương dập nát buộc phải cắt bỏ kẻo hoại tử, nhìn chồng như vậy xót xa lắm”, bà Xuân tâm sự.
Vừa nói chuyện, bà Xuân vừa nắm chặt lấy tay chồng an ủi: “Cũng may là chỉ giai đoạn đầu sau khi phát bệnh, anh Vĩnh hay rời nhà đi lung tung còn giờ thì ít lắm, sức khỏe cũng tốt hơn trước nhiều. Duy chỉ hôm nào trái nắng trở trời là đầu lại đau nhói vì vết thương. Nhưng tôi theo dõi chồng kỹ càng lắm, đau là cho đi viện ngay”.
Lúc tỉnh táo, ông Vĩnh tâm sự về điều tiếc nuối nhất là phải ngừng cống hiến trong ngành CAND khá sớm. Dù vậy, ông rất phấn khởi khi luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, của các ban ngành.
“Nhờ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, tôi dù là bệnh binh nặng vẫn không trở phải trở thành gánh nặng cho gia đình. Trong mỗi dịp Lễ, tết hay sự kiện quan trọng, tôi luôn được được lãnh đạo các cấp, ban ngành của tỉnh đến thăm, gợi nhớ về những năm tháng hào hùng phục vụ trong lực lượng CAND”, ông Vĩnh phấn khởi nói.
Thúy Diễm