Kỳ thi tay nghề Quốc gia 2016: Hà Nội đứng đầu với 16 giải nhất

(Dân trí) - “Các thí sinh đã tự tin, vượt lên chính mình hoàn thành bài thi, phô diễn kỹ năng nghề đỉnh cao, thể hiện giá trị bản thân với nghề đã chọn. Kỳ thi đã khẳng định, lao động Việt Nam đủ khả năng hội nhập vào thị trường lao động khu vực ASEAN và thế giới”.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (hàng đầu, trên trái) và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao hoa và bằng khen cho thí sinh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (hàng đầu, trên trái) và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao hoa và bằng khen cho thí sinh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ bế mạc Kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2016. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tối 30/5 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới động viên và trao bằng khen cho các thí sinh nhận giải nhất.

Diễn ra từ ngày 23-30/5 tại Hà Nội, Hà Nam và Huế, Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 9 năm 2016 thu hút 488 thí sinh thuộc 58 đoàn (6 Bộ, ngành; 3 tập đoàn và 49 tỉnh, thành phố). Hội thi có 59 thí sinh nữ, chiếm 12,1%. Nghề Dịch vụ nhà hàng có tỉ lệ thí sinh nữ cao nhất: 22 thí sinh nữ/59 thí sinh dự thi. Các thí sinh tham gia tranh tài ở 25 nghề có nhu cầu nhân lực cao trong nước, khu vực và thế giới.

Các nghề tổ chức thi có tính phổ biến và nhu cầu nhân lực lớn, đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH và hội nhập, như: Nghề cơ điện tử, tự động hóa công nghiệp, giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin, hàn, lắp đặt điện, điện tử, thiết kế kỹ thuật CAD, thiết kế trang web…

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng vai trò của việc nâng cao tay nghề rất quan trọng: “Khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP không chỉ đưa đến các cơ hội, mà còn tạo ra nhiều thách thức đối với lực lượng lao động Việt Nam, yêu cầu người lao động phải nâng cao trình độ kỹ năng nghề”.

Đánh giá tổng quát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Kỳ thi diễn ra một cách an toàn, minh bạch, trung thực. Thông qua Kỳ thi, các thí sinh và chuyên gia đã có cơ hội học hỏi và trao đổi kỹ năng, công nghệ mới. Qua đó nâng cao trình độ, phương pháp dạy và học nghề”.

Thí sinh dự thi Nghề dịch vụ nhà hàng. (Ảnh: TCDN)
Thí sinh dự thi Nghề dịch vụ nhà hàng. (Ảnh: TCDN)

Tổng kết Kỳ thi, Ban tổ chức đã lựa chọn ra được 221 thí sinh đạt giải Khuyến khích, 57 thí sinh đạt giải ba, 24 thí sinh đạt giải nhì, 65 thí sinh đạt giải nhất và 6 Đoàn có thành tích cao nhất.

Đoàn Hà Nội đứng đầu với 16 giải nhất. Lần lượt xếp tiếp sau là các đoàn TP.HCM, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải…

Đánh giá về tinh thần tham gia của thí sinh, ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Nhiều thí sinh không chỉ hoàn thành bài thi mà còn thể hiện những kỹ năng xuất sắc trong từng nghề. Đơn cử như thí sinh Lê Thị Thùy Linh nghề Dịch vụ nhà hàng, Bùi Văn Lâm nghề Công nghệ ô tô, Phạm Văn Chiến nghề Robot di động, Hoàng Văn Nước nghề Mộc mỹ nghệ, Đinh Công Diễn nghề Bảo trì máy CNC, Đào Mạnh Quyền nghề Xây gạch hay em Nhữ Thị Trang nghề Chăm sóc sắc đẹp…”.

Ban tổ chức sẽ lựa chọn các thí sinh có thành tích cao nhất để tham gia đội tuyển quốc gia dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 11 tại Malaysia và Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017 tại Abu Dhabi - Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất.

Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 9 năm 2016 có số thí sinh tham gia đông nhất trong các kỳ thi trước, số nghề tổ chức thi nhiều nhất. Lần đầu tiên, Kỳ thi có chuyên gia nước ngoài được mời làm Trưởng tiểu Ban giám khảo nghề Hàn, tạo ra xu hướng quốc tế hóa nhằm nâng cao chất lượng các Kỳ thi tay nghề quốc gia.

TIN VẮN:

TP Hồ Chí Minh: Cần 25.000 lao động trong tháng 6/2016

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng 25.000 lao động trong tháng 6/2016.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc, nhu cầu tuyển dụng lớn nhất tập trung ở khối cao đẳng - đại học - trên đại học chiếm 35%, tiếp sau đó là khối công nhân kỹ thuật - trung cấp chiếm 30%; khối lao động phổ thông chiếm 25%; sơ cấp nghề chiếm 10%. Về ngành nghề, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm kinh doanh, bán hàng, quản lý điều hành, giáo dục đào tạo, vận tải kho bãi xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin, dệt may, giày da…Cũng theo chuyên gia này, tình trạng mất cân đối về số lượng và chất lượng xảy ra thường xuyên trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề chuyên môn. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất - kinh doanh, đặc biệt những nhóm ngành nghề sử dụng nhiều lao động có trình độ tay nghề, chuyên môn cao thuộc nhóm ngành nghề công nghiệp trọng yếu và kinh tế dịch vụ như: cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện tử, công nghệ thông tin.

Cũng theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TPHCM, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trên địa bàn thành phố trong tháng 5/2016 tăng 19,5% so với tháng 4/2016. Cụ thể, tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 26,79% tăng 5,18%; sơ cấp nghề chiếm 6,54% tăng 54,02%, công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 9,24% tăng 21,04%; cao đẳng chiếm 14,23% tăng 33,40%; đại học chiếm 17,37% tăng 28,53% và trên đại học là 0,06% tăng 37,50%.

Đ.T

Hoàng Mạnh