1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kỹ sư xây dựng giải mã bí ẩn lạ đêm khuya ở chung cư

Phương Thảo

(Dân trí) - Gia đình nào ở chung cư cũng từng nghe các tiếng động lạ giữa đêm khuya như tiếng kéo bàn ghế, bi rơi, chân chạy, trẻ nô nghịch... Kỹ sư xây dựng đã lý giải về hiện tượng này.

Những tiếng động lạ trong đêm 

Thời gian qua, người dân ở nhiều tòa chung cư cho biết nghe thấy đủ thứ âm thanh như tiếng băm thớt, chặt thịt, tiếng gõ độp độp, tiếng búa, kéo ghế, đập bóng, tiếng trẻ nô đùa, chạy nhảy, tiếng bi rơi… Những âm thanh này đến bất chợt đến vào giờ nghỉ trưa, trong đêm thanh vắng nghe càng rõ hơn, gây phiền toái đến sinh hoạt của gia đình, thậm chí gây stress, mất ngủ cho cư dân sinh sống.

Kỹ sư xây dựng giải mã bí ẩn lạ đêm khuya ở chung cư - 1

Người dân ở nhiều khu chung cư thường xuyên nghe thấy những tiếng động lạ, đặc biệt vào ban đêm (Ảnh minh họa).

Chị Phạm Thị Thơm (30 tuổi, sống tại một chung cư ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, có những lần đang ngồi làm việc khuya tự dưng giật mình nghe tiếng như viên bi ve rơi, nảy trên sàn, rồi có đợt ngày nào cũng nghe thấy tiếng đóng đinh, kéo bàn kéo ghế ken két lúc 12 giờ đêm.

"Lúc ấy, tôi nghĩ không hiểu nhà ai có "đam mê" dọn nhà lúc nửa đêm như thế, con cái nhà ai giờ này còn chơi, không chịu đi ngủ. Nhiều lúc cảm thấy rất bực mình!", chị Thơm chia sẻ và cho biết thêm vì ở chung cư nên âm thanh nào cũng như trên đầu mình, không phân biệt được hướng chính xác từ đâu.

Anh Nguyễn Văn Trường - kỹ sư xây dựng của một tập đoàn lớn chuyên thi công các khu đô thị, khách sạn cao cấp, lý giải về hiện tượng này. Theo đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tiếng động lạ trong khu chung cư, không loại trừ trường hợp có thể có người làm những hành động như vậy.

Anh Trường phân tích, trẻ con ở tầng trên, thậm chí là tầng trên nữa nếu làm rơi viên bi ở trong phòng, hành lang hoặc hành động kéo bàn, ghế đều ảnh hưởng tới tầng dưới. "Nếu hành động xảy ra trên mặt sàn ốp đá, gạch sẽ tạo ra tiếng động rõ hơn so với sàn gỗ", anh Trường cho biết.

Bên cạnh đó, vị kỹ sư đã nửa đời gắn với việc xây dựng chung cư, nhà cao tầng lưu ý, phải kể đến hiệu ứng "búa nước" (water hammer) ở các tòa nhà. Cụ thể, trong các tòa nhà chung cư có hệ thống đường ống nước gồm đường thoát nước thải nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm, máy giặt và đường thoát nước mưa theo trục ở ban công. Hệ thống thoát nước của căn hộ tầng trên lại nằm ở căn hộ tầng bên dưới. Lúc đầu, ống khô nước, nhưng khi giội, nước sẽ va đập vào thành ống, gây ra tiếng động, nhỏ thì róc rách, còn lớn thì ào ào. Âm thanh này xuyên qua lớp bê tông, tạo ra đủ loại âm thanh tùy theo tần số rung động. Hiện tượng này gọi là "búa nước".

Chưa kể, đường ống trục dài được cố định vào tường bằng các đai có bắt ốc vít. Sau một thời gian sử dụng, cái đai đó lỏng ra, khi giội nước từ tầng trên xuống, lực có thể làm cho đường ống va đập vào cái đai, ốc vít, tạo ra lực cộng hưởng, gây nên những tiếng động lạ.

Kỹ sư Trường cho biết thêm, hiện nay các tòa nhà chung cư thường chỉ lắp đặt loại kính dán 2 lớp an toàn, không có tác dụng cách âm, cách nhiệt nên ở trong nhà vẫn nghe được tiếng ồn bên ngoài.

"Đó là những yếu tố gây tiếng ồn, cả chủ quan và khách quan. Hiện tượng này xuất hiện cả ban ngày và ban đêm. Nhưng do không gian yên tĩnh, vào ban đêm, những tiếng động đó chúng ta nghe rõ hơn", anh Cường nói.

Công nghệ mới cho thi công cao ốc

Trả lời câu hỏi tại sao hiện tượng tiếng động lạ này xảy ra phổ biến ở các tòa chung cư tại Việt Nam, anh Trường cho biết, các chủ đầu tư trong nước muốn tối ưu hóa lợi nhuận nên việc đầu tư thiết bị để cách âm tốt gần như không có như xây dựng khách sạn.

"Tôi đã từng làm các dự án xây dựng khách sạn 5 sao cao cấp. Nghỉ dưỡng trong những tòa nhà này, tôi khẳng định gần như không thể nghe thấy bất cứ tiếng động nào ở xung quanh bởi công trình có tiêu chuẩn rất cao để độ ồn, tiếng động giảm thiểu hết mức, đảm bảo tính tiện nghi của khách", anh Trường nêu dẫn chứng. Tại các khách sạn cao cấp, tường giữa các phòng, từ tầng trên với tầng dưới, rồi bên trong và bên ngoài cửa ban công và cửa chính đều phải làm cách âm.

Các khách sạn cao cấp sử dụng kính hộp để cách âm, cách nhiệt rất tốt, ống nước cũng là loại ống cách âm thiết kế theo kiểu ống lồng trong ống, ở giữa 2 ống có lớp cách âm. Vì vậy, khi khách ở tầng trên giội nước, di chuyển, thậm chí khuya khoắng đồ đạc, tầng dưới vẫn không bị ảnh hưởng.

Theo anh Trường, hiện tại, Việt Nam chưa chế tạo được loại ống cách âm này nên khi xây dựng khách sạn cao cấp, các nhà thầu thường phải nhập vật liệu từ nước ngoài về.

Ngoài ra, vị kỹ sư xây dựng giàu kinh nghiệm này cũng cho biết, việc xây dựng tường của các phòng liền kề nhau cũng phải xây hở, chèn vật liệu cách âm ở giữa. Áp dụng những tiêu chuẩn cao về xây dựng như vậy mới triệt tiêu được 90% tiếng động.

"Khi nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng, đơn vị vận hành khách sạn sẽ đứng ở phòng bên kia gây ra các loại tiếng động và có người đứng ở phòng bên này dùng máy đo cường độ âm, kết quả phải gần như bằng 0 thì công trình mới được nghiệm thu, tức là tiêu chuẩn cách âm phải lên tới 55dB", kỹ sư Trường cho biết thêm.

Kỹ sư xây dựng giải mã bí ẩn lạ đêm khuya ở chung cư - 2
Một công trình nhà chung cư sử dụng công nghệ xây dựng sàn hộp giúp sàn dày hơn, giảm được phần nào tiếng động.

Nói về độ dày sàn nhà chung cư và vấn đề liên quan tới việc nghe thấy tiếng động, theo anh Cường, sàn bê tông giữa các tầng chung cư hiện nay thường chỉ dày 15 - 20cm và không cách âm. Hiện nay, có những công trình nhà chung cư đặc thù hơn, khi thi công mặt sàn, nhà thầu sử dụng công nghệ xây dựng sàn bóng, sàn hộp giúp sàn dày hơn nên cũng giảm được phần nào tiếng động từ tầng trên dội xuống. Tuy nhiên, hầu hết các chung cư ở Việt Nam không thể hạn chế được những tiếng động này.