Kỹ sư giải thích "đôi mắt ma mị" trong phòng trẻ ngủ làm mẹ đứng tim
(Dân trí) - Một người mẹ đã hốt hoảng khi phát hiện đốm lạ như đôi mắt sáng lên trong bóng tối khi quan sát camera phòng ngủ của con. Giải thích về "đôi mắt ma mị" từ chuyên gia an ninh khiến ai cũng thở phào.
Mới đây, một bà mẹ đã đăng tải đoạn clip trích xuất từ camera đặt trong phòng ngủ của con nhỏ lên mạng xã hội để được tư vấn về hiện tượng lạ mà chị nhìn thấy.
Theo đó, người mẹ vì sợ con ngủ một mình dậy khóc khi chị phải ra ngoài phụ giúp gia đình bán hàng Tết nên đã lắp camera trong phòng để tiện theo dõi. Tuy nhiên, khi chị mở ứng dụng lên để kiểm tra thì phát hiện phía góc tường có 2 đốm sáng nhấp nháy như một đôi mắt đang chớp chớp trong bóng tối.
Chứng kiến hiện tượng trên, người mẹ hết hồn và đăng tải đoạn clip trích xuất từ camera lên mạng xã hội để tìm hiểu về đốm sáng "ma mị" đó.
Việc người mẹ đăng hình ảnh "ma mị", có chèn đoạn nhạc rùng rợn khiến người xem nổi da gà.
Tuy nhiên, những người tỉnh táo, nắm được vấn đề sau đó đã trấn an, cho rằng ánh sáng nhấp nháy ghi được từ camera an ninh nói trên là hiện tượng bình thường xuất hiện khi vận hành camera hồng ngoại, hoàn toàn không có vấn đề gì phải lo sợ.
Trước nhiều ý kiến của cộng đồng mạng, sau đó, người mẹ bỉm sữa đã tiếp tục đăng thêm đoạn clip kiểm chứng. Theo đó, chị này đặt camera lên giường, cho chiếu vào phía tường rồi tắt đèn, mở ứng dụng ra kiểm tra. Quả nhiên, đúng là có đốm sáng "đôi mắt ma mị" giống như ở hình ảnh đăng tải trước đó trên tường. Thí nghiệm kiểm chứng này khiến người theo dõi thở phào nhẹ nhõm.
Liên quan đến câu chuyện trên, anh Thân Viết Nghinh - Kỹ sư Công nghệ thông tin, chuyên lắp đặt các loại camera ở Hà Tĩnh giải thích cụ thể, hình ảnh đốm sáng nhấp nháy thể hiện trong clip là hiện tượng bức xạ hồng ngoại.
"Hiện tượng này có thể được hiểu là máy camera phát ra bức xạ hồng ngoại, những bức xạ hồng ngoại khi rọi tới tường gặp vật cản thì phát ra ánh sáng trắng. Ngoài ra, do cường độ của bức xạ hồng ngoại không đều nên có hiện tượng đốm sáng trên tường nhấp nháy như vậy", anh Nghinh giải thích.
Cũng theo anh Nghinh, thực tế có nhiều vật có thể phát sáng khi bức xạ hồng ngoại rọi tới như những con bọ bay qua cũng có thể tạo ra những đốm sáng lơ lửng khi quan sát qua ứng dụng theo dõi.
Anh Nghinh khẳng định chốt lại, hiện tượng như thể hiện trong đoạn clip trên là hoàn toàn bình thường, không có yếu tố "ma mị", nguy hiểm.