Kỹ sư điện biến hoa héo thành hoa tươi trong một nốt nhạc
(Dân trí) - Từ một người chỉ có chuyên môn về điện, điện tử, anh Lê Trung Hiếu đã chế tạo ra dung dịch giữ hoa tươi gần 20 ngày với mức giá cạnh tranh được với đối thủ nước ngoài.
Giá thành chỉ bằng 1/3 sản phẩm nước ngoài
Tại triển lãm Hortex, anh kỹ sư điện tử Lê Trung Hiếu (46 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM) thỉnh thoảng lại lấy một túi dung dịch màu trắng đổ vào những bình hoa sắp tàn úa. Chỉ trong phút chốc, một nhành hoa thọ sắp héo lấy lại màu sắc trắng tươi như lúc vừa nở.
Nhiều nông dân đứng xung quanh tỏ vẻ thích thú khi biết được độ tươi của hoa còn giữ được hơn 15 ngày, chỉ với gói dung dịch giá 10.000 đồng/10ml.
Theo anh Hiếu, dung dịch này là nước từ trường có chứa ion đồng giúp làm sạch nước và tăng khả năng hút dinh dưỡng của hoa giúp hoa tươi lâu từ 16-20 ngày, trong khi những sản phẩm tương tự ở nước ngoài chỉ được tối đa 15 ngày. Sản phẩm được chế thành dạng lỏng, dễ sử dụng so với dạng bột thường thấy.
"Trên thị trường hiện nay, nước giúp hoa tươi chủ yếu của thương hiệu nước ngoài như Hà Lan, Mỹ, Isarel,… với giá khoảng 300.000 đồng/lít. Vì tôi làm chủ được công nghệ nên cũng chủ động được mức giá. Dạng gói 10ml tôi chỉ bán 10.000 đồng, dạng chai 250 ml chỉ có giá từ 40.000-50.000 đồng, để tiểu thương buôn hoa có thể lãi nhiều hơn", anh Hiếu bộc bạch.
Việc sử dụng dung dịch còn giúp tiểu thương kinh doanh không cần bận tâm đến việc thay nước, thuê nhân viên cắt gốc hoa mỗi ngày. Thay vào đó, nước ngâm hoa sau thời gian sử dụng sẽ lưu được độ thơm, không có màu hay mùi hôi.
Mỗi lít nước từ trường có thể pha được 1.000 lít nước để tạo hỗn hợp giúp hoa tươi. Điều này giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, diện tích lưu kho và còn sử dụng được cho nhiều hoa hơn.
Về mặt chuyên môn, tính chất của ion đồng là có khả năng diệt khuẩn cực mạnh. Kích thước ion đồng nhỏ hơn 1 nanomét, rất nhỏ nên có thể xâm nhập vào gốc hoa, làm sạch các loại vi khuẩn gây thối rữa. Đường glucose trong nước được cung cấp chất dinh dưỡng cho cành hoa, giúp tươi lâu.
Sản phẩm của anh Hiếu đã thắng giải Nhất cuộc thi Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2022. Hiện nay, sản phẩm đã bán trên thị trường cả nước và gửi mẫu đi Malaysia, Úc.
Trong năm 2023, anh Hiếu sẽ hoàn thành hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn chất lượng trong ngành hoa, tạo ra sản phẩm nước dưỡng cho cây hoa sen và xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á.
Khởi nghiệp không khó
Sản phẩm này là một trong những dự án thành công nhất của kỹ sư điện tử Lê Trung Hiếu. Năm 2019, trong một lần được người bạn ở Đà Lạt tặng một bó hoa hồng, anh về nhà ngắm nghía rồi suy nghĩ cách để hoa giữ được độ tươi thật lâu.
Thử hết mọi cách không được, anh thử thả đồng xu vào lọ hoa và nhận được kết quả bất ngờ. Khi đồng xu bị oxy hóa, nước cắm hoa có thể diệt vi khuẩn làm hoa héo, giữ hoa tươi lâu hơn.
Tháng 1/2022, anh và nhóm bạn bắt tay vào nghiên cứu. Khởi điểm, anh gặp không ít khó khăn vì đội ngũ toàn là kỹ sư điện, điện tử, không ai có chuyên môn về hóa học. Tìm đến chuyên gia, thử hết thuốc kháng sinh, chất khử khuẩn này đến các loại phân đạm khác, anh Hiếu đều thất bại.
Tuy nhiên, nhớ lại bản thân vốn là một kỹ sư điện tử, anh lập tức ứng dụng những kiến thức về điện vào ngành công nghiệp đặc thù này. Bằng cách dùng điện từ trường, anh mạo hiểm điều chế ion đồng, trộn với nước và đường rồi căn chỉnh tỷ lệ khác nhau.
"Hàng trăm ống nghiệm được sử dụng, số hoa mua về nhiều đến nỗi có lúc tôi cạn tiền, phải gom rau cải, hoa dại về thí nghiệm. Không có phương pháp đo lường, thiết bị thực nghiệm đúng với lĩnh vực hóa học, sinh học, chúng tôi càng khó khăn hơn khi phải đi từ con số âm", anh Hiếu nói.
Trải qua 6 tháng ròng, anh Hiếu cũng đã chế được dung dịch ion đồng giúp hoa tươi lâu gấp 3 lần. Nhìn lại khoảng thời gian khởi nghiệp gian nan, anh Hiếu càng trân trọng thành quả lao động hơn.
"Thật ra khởi nghiệp cũng không có gì khó nhưng cần biết bản thân đang và sẽ làm gì thì mới thành công. Khi có quyết định, quyết tâm "tự đứng trên đôi chân của mình", các bạn trẻ cần đi theo lối riêng, làm những thứ mà người khác chưa làm", nam kỹ sư điện tử chia sẻ bài học từ trải nghiệm của bản thân.