Tránh trục lợi BHYT:
Kỳ 2 - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xử lý nghiêm hành vi trục lợi
(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn hỏa tốc số 7200/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc rà soát, thanh tra, kiểm việc sử dụng quỹ BHYT. Một trong những điểm lưu ý là cần xử lý nghiêm các hành vi trục lợi BHYT.
Xử lý nghiêm vi phạm
Nội dung Công văn 7200 VPCP-KGVX ghi rõ, yêu cầu Bộ Y tế, BHXH Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đặc biệt, quan điểm quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thể hiện rõ trong nội dung chỉ đạo: "Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi nhằm sử dụng hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế".
Sự vào cuộc quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho thấy công tác chỉ đạo xuyên suốt và kịp thời từ cấp lãnh đạo của Chính phủ, nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng quỹ BHYT đang gia tăng nhanh.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội VN đã cảnh báo việc lạm dụng chi quỹ BHYT, đặc biệt là tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT với nhiều hình thức tinh vi. Mới đây, BHXH VN đã từ chối thanh toán 71 tỉ đồng kinh phí khám chữa bệnh BHYT của Phòng khám đa khoa Phương Nam (Cà Mau) trong Quý 1 và 2/2016 vì những dịch vụ khám chữa bệnh không hợp lý.
Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH VN, qua kiểm tra và giám định, các cơ quan bảo hiểm địa phương đã lật tẩy nhiều chiêu trò trục lợi quỹ BHYT của nhiều cơ sở khám chữa bệnh. “Đơn cử như việc lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật y tế, sử dụng thuốc không phổ biến tạo thế độc quyền đẩy giá thuốc lên cao, kéo dài thời gian điều trị không cần thiết, sử dụng một số thuốc, vật tư y tế giá cao không hợp lý...”.
Vị đại diện BHXH VN cũng chỉ rõ câu chuyện ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh trục lợi quỹ BHYT dưới các hình thức tinh vi như: Tặng quà khuyến mại, tặng tiền vé xe ô tô đưa đón đến khám, chữa bệnh, chỉ định tăng số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang. Đặc biệt làm lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật cao và chi phí lớn, những loại thuốc đắt tiền để thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh...
“Từ nay tới cuối năm 2016, BHXH VN sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại các địa phương có tình trạng vượt chi quỹ BHYT bất thường” - ông Phạm Lương Sơn nói.
Trong khi đó, việc quản lý, kiểm tra, giám sát chi phí khám, chữa bệnh BHYT của cơ quan BHXH còn gặp khó khăn. Một phần do phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ sở khám, chữa bệnh và ngành BHXH dù đã hoàn thiện, nhưng vẫn chờ việc cập nhật dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh.
Cần "rào chắn" kỹ thuật
Bên cạnh đó, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, Bộ Y tế cần hỗ trợ BHXH VN trong việc xây dựng "rào chắn" cho việc lạm dụng quỹ BHYT. Theo đó, Bộ Y tế cần quy định rõ một loại bệnh khi nào cần chụp X-quang, các dấu hiệu chỉ điểm lâm sàng là gì và triệu chứng gì mới làm nội soi, siêu âm. Từ căn cứ này, BHXH mới có căn cứ để kết luận dấu hiệu có lạm dụng kỹ thuật hay không.
Hậu quả của việc thiếu "rào chắn" kỹ thuật đã phần nào gia tăng nhiều dấu hiệu trục lợi cá nhân.
“Tháng 7/2016, BHXH VN phát hiện có trường hợp người có thẻ BHYT đi khám bệnh tới 27 lần trong 1 tháng!. Một số người bệnh đã đến các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện được những dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn (như chụp CT-Scanner, chụp cộng hưởng từ...) đề nghị được sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó. Bên cạnh đó, một số người bệnh cho dù không mắc bệnh, khi biết cơ sở khám, chữa bệnh có các hình thức khuyến mại cũng đến khám, chữa bệnh mang tính chất vừa kiểm tra sức khỏe vừa nhận quà khuyến mại” - ông Phạm Lương Sơn cho biết.
Bên cạnh các biện pháp đồng bộ trước đó, ngày 31/8, BHXH VN tiếp tục có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh báo cáo UBND tỉnh phối và hợp cùng cơ quan chức năng rà soát các hợp đồng khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2016. “BHXH VN sẽ kiên quyết từ chối thanh toán chi phí không hợp lý và dừng hợp đồng khám chữa bệnh với cơ sở có dấu hiệu vi phạm để chờ kết luận của cơ quan chức năng” - ông Phạm Lương Sơn nói.
Tại Thanh Hóa, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan công an cùng các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra những dấu hiệu trục lợi BHYT của một số đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, ngày 30/10, các cơ quan chức năng sẽ có báo cáo chính thức. Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, hành vi sai phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật để chấn chỉnh những sai phạm trong trục lợi quỹ BHYT.
Theo BHXH VN, chi phí khám chữa bệnh theo BHYT trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015, với tổng số tiền tăng thêm 8.545 tỉ đồng. Có 37 tỉnh chi vượt định mức quỹ khám chữa bệnh BHYT với số tiền bội chi tăng thêm 2.879 tỉ đồng. Nhiều tỉnh có số vượt Quỹ 6 tháng đầu năm rất lớn (mức trên 100 tỉ đồng) gồm: Thanh Hóa 370 tỉ đồng, Nghệ An 351 tỉ đồng, Quảng Nam 238 tỉ đồng, Cà Mau 221 tỉ đồng, Thái Bình 213 tỉ đồng, Đà Nẵng 167 tỉ đồng, Bắc Giang 142 tỉ đồng, Phú Thọ 125 tỉ đồng, An Giang 116 tỉ đồng, Hải Dương 115 tỉ đồng, Bình Định 109 tỉ đồng, Quảng Ninh 102 tỉ đồng.
Hoàng Mạnh