Kon Tum: Chàng “tù trưởng” 28 tuổi làm kinh tế giỏi, thu 300 triệu đồng/năm
(Dân trí) - Tuy tuổi còn trẻ nhưng Trưởng thôn A Thái đã có nhiều đóng góp giúp cho dân làng xóa bỏ hủ tục. Thái đã có hơn 6ha đất trồng mì và điều, mỗi năm thu về gần 300 triệu đồng.
Vượt khó làm kinh tế giỏi
Chúng tôi về trên vùng biên giới xã Mo Rai (huyện Sa Thầy, Kon Tum) vào một trưa hè khô khát. Đây là một trong những xã biên giới nghèo nhất nhì của tỉnh Kon Tum, bởi bao quanh là đồi núi, đất đai cằn cỗi, bà con là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao.
Việc phát triển kinh tế chỉ làm theo hình thức chọc trỉa và chưa có sự đầu tư, chăm sóc nên “cái đói, cái nghèo” cứ bám dai dẳng. Đặc biệt, trên vùng biên giới này còn một bộ phần người Rơ Mâm, đây là một trong những dân tộc ít người nhất cả nước.
Hiện trên địa bàn xã có hơn 110 hộ dân là người Rơ Mâm sống tập trung tại làng Le (hay còn gọi là làng Le - Rơ Mâm).
Theo đó, A Thái (sinh năm 1992, người dân tộc thiểu số Rơ Mâm, làng Le, xã Mo Rai) được dân làng bầu làm trưởng thôn bởi anh biết cái chữ, sáng cái dạ trong làm kinh tế. Anh cũng là người thường xuyên gần gũi với bà con để hướng dẫn cho con làm kinh tế, xóa bỏ hủ tục, thoát “cái nghèo”.
A Thái luôn trăn trở về những mô hình làm giàu, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Mời chúng tôi vào căn nhà khang trang đang xây dở, A Thái tâm sự về hành trình lập nghiệp. Theo đó, khoảng 18 tuổi, gia đình A Thái có vài hecta đất bỏ hoang.
Tạo việc làm thời vụ tại địa phương
Đầu tháng 3 hàng năm, A Thái cùng vợ dọn hơn 6 ha rẫy để chuẩn bị cho vụ mì. Sau khi cơn mưa đầu tiên trút xuống, A Thái thuê khoảng 20 - 30 người là bà con đồng bào Rơ Mâm và đoàn viên thanh niên trong xã để cùng giúp xuống giống mì khoảng từ 1 - 2 ngày cho xong. Mỗi công, A Thái trả con bà con 150.000 đồng.
Lúc này, Thái thấy các công ty trồng cao su trồng cao su thu lợi nhuận cao nên Thái đã tìm tòi và trồng gần 4ha cao su. Vì thiếu kiến thức Thái đã nhờ sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã và các anh biên phòng để chăm sóc vườn cao su cho đúng cách.
Hơn một năm sau, Thái được lệnh đi lên đường nhập ngũ nên đã nhờ bố mẹ chăm sóc. Vì bố mẹ đã già yếu, nhận thức về canh tác còn hạn chế nên vài năm sau vườn cao su bị bỏ hoang và bị cháy không thể phục hồi.
Năm 2015 nhận quyết định xuất ngũ, Thái trở về quê nhà. Xót xa trước vườn cao su đã tan thành tro bụi, Thái đã bắt tay ngay vào những việc chuyển đổi sang trồng cây mì và điều.
Bằng sự chịu khó và sức khỏe, Thái ngày đêm “cày sâu, cuốc bẩm”. Giữa trưa hè, mình A Thái khiên những chục tảng đá lớn, đá nhỏ để dọn vườn trồng mì. Chỉ trong một thời gian ngắn, A Thái đã khai hoang thêm hơn 2ha đất rẫy và mua thêm nhiều miếng đất của bà con trong làng để trồng gần 6ha mì.
Khác với cánh làm của bà con là chọc trỉa, chàng trai Rơ Măm đã biết cày đất tươi xốp, đợi những giọt mưa đầu mùa xong mới thả cây mì xuống.
Biết đất cằn cỗi, anh đã vượt hàng trăm cây số ra huyện mua phân về bón. Sau khi cây mì đã bén rễ và cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. A Thái tiếp tục mua máy cày gần 80 triệu đồng và trồng thêm 1 ha điều cao sản để đa dạng hóa cây trồng. Từ 6ha mì và 1ha cây điều, A Thái thu về gần 300 triệu mỗi năm. Ngôi nhà A Thái đang xây cũng xác định cũng lớn nhất nhì trong xã.
Cũng vì là người làm ăn giỏi, biết cái chữ của bà con Rơ Mâm nên mọi người thường mệnh danh A Thái là chú “sếu đầu đỏ”, rất quý hiếm và cần được bảo vệ. Ngụ ý, muốn Thái ở lại với vùng biên khó khăn này để cùng giúp bà con làm kinh tế, hướng dẫn bà con “điều hay lẽ phải”…
Trưởng thôn trẻ xóa hủ tục ở vùng cao
Thấy dân mình đói nghèo là do nhiều hủ tục còn lạc hậu và thiếu “cái chữ” nên A Thái đã tìm mọi cách để ra thị trấn Sa Thầy học đến lớp 12. Sau đó, A Thái lên đường đi nghĩa vụ đến 2015 ra quân và tiếp tục con đường học của mình.
A Thái tâm sự: “Thời gian đi ra ngoài, em đã học được rất nhiều cách làm kinh tế hay và lối sống văn minh của người thành thị. Khi ra quân vừa làm kinh tế, em vừa đăng kí học lớp Luật tại chức tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Phân hiệu Tại Kon Tum). Em nghĩ mình cần biết “cái chữ”, hiểu cái luật thì mới giúp được bà con”.
Hàng ngày, sau khi trồng mì, làm cỏ điều xong, A Thái lại vượt gần 150km đường rừng để ra TP.Kon Tum để học. Cũng nhờ A Thái sáng dạ và là người Rơ Mâm nhiều chữ nhất nên dân tin tưởng bầu anh làm trưởng thôn làng Le.
Những việc to nhỏ trong làng, dân đều đến tìm trưởng thôn để xin ý kiến và nhờ hướng dẫn. Nhờ uy tín với bà con mà trưởng thôn trẻ đã xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu.
A Thái nhớ lại, cái làm cho người Rơ Mâm “thoát nghèo” là biết xóa bỏ hủ tục. Ví dụ như: xưa quan niệm làng Le không được nuôi bò. Nghe các cụ hồi xưa nói, làng Le trước cũng có nhiều hộ nuôi bò. Nhưng không hiểu sao bò lại chết hàng loạt. Sau đó người Rơ Mâm mua thêm bò về nuôi thì trâu lại bỏ vào rừng.
Lúc đó, dân làng Le đã lập lời thề không ai được nuôi bò, chỉ nuôi trâu. Khi nhà nước hỗ trợ bò về bà con làng Le quyết không nhận bò vì sợ Yàng phạt. Sau hàng tháng trời vận động của chính quyền và trưởng thôn A Thái, bà con đã hiểu ra con bò mới giúp dân “thoát nghèo” nên đã họp làng xóa bỏ lời thề năm xưa.
Không những thế, người Rơ Mâm rất coi trọng việc thực hiện các lễ cúng trong đời sống sản xuất và tinh thần. Mỗi lúc phát rẫy, các gia đình phải mổ bò, mổ heo để cúng bái xin thần rừng, thần núi. Lúc ốm đau, thay vì đến bệnh viện thì bà con lại đưa đến thầy cúng và mổ bò để làm lễ mong sớm khỏi bệnh.
Các dịp lễ bỏ mả, cả dân làng giết cùng lúc hàng chục con bò và ăn no say 3 ngày đêm. Cũng vì liên tục thực hiện nhiều lễ cúng đã khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất.
Lúc này, A Thái đã phối hợp cùng với xã đến gặp già làng để họp bàn gỡ bỏ những hủ tục cúng bái gây tốn kém. Đối với những lễ nghi của bà con thì làm sao để thực hiện đơn giản, giảm bớt chi phí. Từ thịt bò thì chuyển sang thịt heo để giảm bớt chi phí…
Mới đầu, chàng trưởng thôn trẻ đã gặp rất nhiều sự phản đối của người dân Rơ Mâm, nhiều lúc gay gắt bà con đã có ý định đuổi A Thái ra khỏi làng. Không từ bỏ, A Thái đã quyết tâm thực hiện nhiều cách khác nhau để người dân hiểu để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Ông H Rách Láo (Chủ tịch UBND Mo Rai) cho biết: “Trưởng thôn A Thái là một người trẻ và có trình độ, đặc biệt là rất đam mê làm giàu. Thái luôn chủ động ra huyện, tỉnh để học hỏi các mô hình và cách thức canh tác về áp dụng nhằm nâng cao sản lượng. Đồng thời, Thái là người nói dân nghe nên xã đã nhờ rất nhiều trong việc tuyên truyền về chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hiện xã đang định hướng sẽ cho Thái nắm giữ thêm chức Bí thư Chi bộ để cùng với xã đưa vùng Mo Rai trỗi dậy”.
Phạm Hoàng