Kính thưa các "bác" nhân viên

Tôi tình cờ đọc trên báo một bài viết về các "anh chủ" trời ơi đất hỡi. Không thể phủ nhận một thực tế là các "anh chủ" đó xuất hiện rất nhiều trong xã hội hiện nay.

Vì là chủ nên họ tự cho mình rất nhiều quyền hành; họ tự tung tự tác và có những hành xử mà lẽ ra không nên có đối với những người nắm giữ cương vị đó.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại cho công bằng.

Tôi không phải ông chủ, cũng không phải CEO. Tôi chỉ là một cán bộ quản lý cấp phòng trong nhiều năm và đã từng bị "đuối toàn tập" với những người nhân viên mà tôi phải gọi bằng "bác" bởi "trình quậy" của họ thuộc loại cao siêu, ít người sánh kịp.

Kính thưa các "bác" nhân viên - 1

Mấy năm trước, trong phòng tôi có một nam nhân viên bán hàng. Cậu nhân viên này chưa bao giờ hoàn thành chỉ tiêu được giao. Hết lần này đến lần khác như vậy khiến nhiều người giận dữ vì ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của cả phòng. Lần nào tôi phê bình thì cậu ta cũng hứa hẹn và trình ra phương án khắc phục khuyết điểm, hạ quyết tâm đạt và vượt kế hoạch. Không phải tôi không biết năng lực của nhân viên nhưng tôi muốn cho họ thêm cơ hội để bộc lộ khả năng tiềm tàng. Nhưng lần đó tôi đành chịu thua. Tôi gọi cậu nhân viên lên thông báo sẽ đề nghị cho cậu ta nghỉ việc. Thế là cả tôi và trưởng phòng nhân sự bị cậu ta bêu tên trên Facebook, chửi mắng thậm tệ.

Lần khác có một nhân viên giao nhận móc nối với kẻ xấu để tráo đổi hàng hóa. Tôi biết được, gọi anh ta lên khuyên nên thành khẩn nhận lỗi và bồi thường thiệt hại cho công ty. Mới đầu anh ta cũng đồng ý nhưng sau đó "lật kèo", bảo tôi vu khống và bắt tôi phải công khai xin lỗi. Tôi khuyên nhủ không được, cuối cùng phải nhờ công an vào cuộc.

Lại có chị nhân viên ở bộ phận kế toán của công ty. Chẳng biết làm cách nào mà gian lận tiền phụ cấp của nhân viên cả trăm triệu đồng. Khi bị phát hiện, chị đổ thừa trưởng phòng kế toán không kiểm tra, giám sát và ra điều kiện nếu sa thải chị ta thì phải cho cả trưởng phòng nghỉ việc. Công ty không chấp nhận. Thế là chị ta gửi đơn ra tòa. May mà ở cả hai cấp tòa chị ta đều bị xử thua nhưng công ty cũng mất nhiều công sức, tiền của thuê luật sư để theo kiện…

Tôi đã làm việc nhiều nơi và nơi nào cũng gặp những trường hợp như thế. Kinh nghiệm rút ra là đối với các "bác" nhân viên "có vấn đề" thì phải hết sức cẩn thận; nói có sách mách có chứng; phần lý tính phải nhiều hơn cảm tính để không bị "đá hậu".

Còn với các "bác" nhân viên đó thì tôi có lời như vầy: Phê bình người khác thì rất dễ nhưng nhận ra khuyết điểm, thiếu sót của mình để sửa đổi thì khó vô cùng. Do vậy, muốn gì thì muốn, trước hết phải "tu thân", phải "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" chứ đừng hở ra cái gì cũng đổ thừa cho người khác…

Theo Người lao động