Cà Mau:
Kiến nghị hỗ trợ thợ hớt tóc, phụ hồ, giúp việc nhà ...gặp khó do Covid-19
(Dân trí) - UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đến nay tỉnh này đã chi hơn 133 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, vừa có báo cáo việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, toàn tỉnh Cà Mau có 124.070 đối tượng được Chủ tịch UBND tỉnh này phê duyệt hưởng hỗ trợ với tổng số tiền trên 137,519 tỷ đồng.
Cụ thể, tỉnh đã chi hỗ trợ nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, nghèo và cận nghèo là 106.366 đối tượng, số tiền trên 119,753 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành trên 99%.
Còn lại 729 đối tượng chủ yếu do đang đi làm ăn xa, chậm nhận hoặc trùng nhóm đối tượng khác.
Với nhóm đối tượng (hộ kinh doanh, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) bị mất việc làm, người lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương), các địa phương đã chi hỗ trợ 13.356 đối tượng, với tổng số tiền hơn 13,356 tỷ đồng.
Riêng nhóm đối tượng người lao động bị chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động, thì cho đến nay vẫn chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ.
Trong quá trình đại biểu HĐND tỉnh Cà Mau tiếp xúc người dân ở các địa phương, họ cho biết việc Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng, trong đó có người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là rất hoan nghênh.
Tuy nhiên, còn một số đối tượng như thợ hớt tóc, thợ hồ, người làm thuê, giúp việc nhà... đời sống rất khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ. Do đó, người dân kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét, có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này.
UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất UBND tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, đảm bảo phù hợp và theo quy định với các đối tượng nói trên, để kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trong quá trình thực hiện chi trả Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, UBND tỉnh Cà Mau nêu một số hạn chế, khó khăn, như: Việc thành lập tổng đài để giải đáp khó khăn, vướng mắc nhưng khi đi vào hoạt động lại quá tải thông tin, không giải đáp kịp thời.
Công tác thống kê, rà soát, lập danh sách đối tượng yêu cầu độ chính xác cao, số đối tượng được hưởng chế độ nhiều. Do đó trong quá trình thực hiện các địa phương đã bỏ sót đối tượng, dẫn đến phải bổ sung nhiều.
Do đặc thù của nhóm lao động không có hợp đồng lao động thường xuyên di chuyển, biến động để tìm kiếm việc làm, nhất là sau thời gian giãn cách xã hội, nên việc tổng hợp các đối tượng này gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ.
Đồng thời, việc xác định thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo đối với nhóm đối tượng này cũng gặp khó khăn khi triển khai ở địa phương.
Huỳnh Hải