1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ… lạc rang

Trong góc độ khởi nghiệp và tạo việc làm, có lẽ rang lạc không có trong “từ điển... nghề”. Tuy nhiên, công việc này lại có thể đem đến hiệu quả kinh tế đáng kinh ngạc. Đây còn được xem như là một cách khởi nghiệp sáng tạo đơn giản đến mức không phải bất cứ một chuyên gia khởi nghiệp nào cũng có thể hình dung ra được.

Bán 50 kg lạc rang mỗi ngày

Trong khoảng 5 - 6 năm trở lại đây dọc phố Bà Triệu - Hà Nội, từ đoạn cắt phố Trần Nhân Tông đến đoạn cắt phố Tuệ Tĩnh mọc lên khoảng 40 - 50 hàng bán lạc rang húng lìu.

Điều dễ nhận thấy là, đa số những thương hiệu đều mang tên lạc rang húng lìu cụ Vân, bà Vân hay là một cô nào đó cũng vẫn tên là... Vân.

Giữa muôn trùng những thương hiệu giống nhau, chắc hẳn không ít người mới đi mua lần đầu sẽ khó tránh khỏi một cảm giác bối rối, bởi không biết nên mua ở hàng nào, vì hàng nào cũng có bản quyền thương hiệu, đảm bảo chất lượng, uy tín lâu năm...

Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ… lạc rang - 1

Cũng là một người đi mua lạc rang húng lìu, mặc dù đoạn phố này cũng chẳng có gì xa lạ nhưng tôi cũng phải đi mất hai vòng và tự hỏi xem nên mua ở hàng nào.

Tuy nhiên lời giải sau cùng là chọn đại một hàng. Người bán là một thanh niên vui vẻ xởi lởi. Cậu tự giới thiệu tên là Tùng và là cháu của bà Vân.

Qua câu chuyện của gia đình về nghề làm lạc rang húng lìu, Tùng cho biết: Bà Vân làm nghề lạc rang, sau đó đến mẹ của Tùng làm và đến bây giờ Tùng cũng làm nghề... rang lạc.

Công việc làm nghề và kinh doanh, vì đã có một quá trình lâu dài nên cả nhà đều theo nghề và sống khá ổn định với nghề.

Theo Tùng, trong mùa nắng nóng này mỗi một ngày, gia đình cậu sản xuất khoảng 50 kg lạc rang, còn vào mùa rét sản lượng có thể lên tới hơn 100 kg mỗi ngày.

Tất cả đều được tiêu thụ ngay trong ngày. Các mối hàng là giao cho các nhà hàng, bán tại cửa hàng của nhà và các đầu mối khách hàng khác.

Bắt đầu từ một nhu cầu tiêu dùng nhỏ

Bỏ qua những tranh cãi về bản quyền, thương hiệu sản phẩm… phố bán lạc rang húng lìu có thể đang là một ví dụ sinh động cho việc tạo ra một nghề mới dựa trên sự phát sinh nhu cầu tiêu dùng rất nhỏ trong xã hội, dù nó đơn giản tới mức ai cũng có thể làm được.

Lạc rang húng lìu vốn là một món ăn chơi bình dân của người Hoa. Những năm tháng thời bao cấp, lạc rang thường được bán kèm bia hơi, phải mua lạc mới được mua bia.

Lạc rang thời đó còn được cho vào giấy quấn kiểu loa kèn bán ở rạp chiếu phim. Các hàng nước chè thì tự rang lấy một ít rồi cho vào lọ thủy tinh để bán cho vài ông khách uống rượu lẻ, hoặc rang một ít để bán kèm với nhiều đồ ăn vặt khác chứ không thể làm chuyên lạc rang.

Khi đó, chắc chắn rang lạc để bán không thể được coi là một nghề, bởi người ta hầu như không thể mưu sinh chỉ bằng nghề rang lạc được.

Ngày nay, khi đời sống xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ, đời sống của người dân được nâng lên, từ đó cũng xuất hiện những nhu cầu mới, thị trường mới.

Điều này đã mở ra nhiều cơ hội việc làm mới trong mọi lĩnh vực, mà trong đó các ngành nghề thủ công, tiểu thủ công và dịch vụ cũng không nằm ngoài xu thế này.

Để nắm bắt được cơ hội, thì sự tìm tòi và sáng tạo luôn đóng vai trò quyết định. Hà Nội vốn nổi tiếng là đất trăm nghề với rất nhiều phố nghề, làng nghề.

Chính vì vậy, ở môi trường này nhiều người dân đã trở nên năng động, sáng tạo nắm bắt được cơ hội để có thể tự tạo ra nghề nghiệp việc làm cho chính mình và cho cả cộng đồng.

Với giá bán 120.000 đồng/kg lạc rang, trong khi giá mua lạc khô đầu vào chỉ khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, rõ ràng đây là một nghề kinh doanh rất đơn giản và hiệu quả.

Người ta có thể thu lãi tới cả trăm triệu mỗi tháng từ việc rang lạc để bán. Đây có thể được xem là lý do vì sao chỉ một quãng phố nhỏ mà có tới cả mấy chục hàng bán lạc rang.

Theo Giáo dục Thời đại