1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kiếm nửa tỷ bạc mỗi tháng từ những thứ bỏ đi

Hoàng Lam

(Dân trí) - Trung bình mỗi tháng, sơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Văn Dũng thu gom, xuất bán hơn 5 tấn phế liệu, thu về nửa tỷ đồng. Cơ sở này cũng tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Làm giàu từ "rác"

Ở xóm đạo xứ Bến Đén, xã Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng (59 tuổi), bà Lê Thị Hương nổi tiếng chịu thương, chịu khó, hay làm. Ruộng  ít, hai vợ chồng trồng thêm rau màu, nuôi lợn để lo cho 8 con thơ ăn học. Những năm mưa thuận gió hòa, vợ chồng ông Dũng tằn tiện cũng tạm đủ chi tiêu trong gia đình.

Kiếm nửa tỷ bạc mỗi tháng từ những thứ bỏ đi  - 1

Trung bình mỗi tháng cơ sở của ông Dũng xuất hơn nửa tỷ đồng phế liệu cho các xưởng tái chế.

"Cách đây khoảng 10 năm, đàn lợn mấy chục con bị dịch, chết sạch, vợ chồng tôi lâm vào cảnh trắng tay", ông Dũng kể.

Làm ăn thất bát, lâm vào bế tắc nhưng người đàn ông này mau chóng tìm ra hướng phát triển kinh tế mới mà thời điểm đó chưa có mấy ai theo là thu mua đồng nát.

"Cách đây 10 năm, nghề thu mua đồng nát bắt đầu phát triển. Việc không phải bỏ quá nhiều vốn trong khi nhu cầu nguyên liệu của các công ty tái chế trên địa bàn huyện lại cao. Tôi chọn nghề này vì thấy tiềm năng kinh tế. Hơn nữa, nhà đông con, chúng tôi hi vọng kiếm được cái nghề sinh nhai sau này cho các cháu", ông Dũng cho biết.

Kiếm nửa tỷ bạc mỗi tháng từ những thứ bỏ đi

Với tầm nhìn xa, ông Dũng gửi hai con đi học nghề tại một xưởng phân loại, tái chế ở khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Bản thân ông và vợ thì rong ruổi khắp trong, ngoài huyện đi thu mua phế liệu. Thời gian đầu chỉ làm ăn kiểu "cò con", khi quen nghề, quen bạn hàng, quen mối, quy mô xưởng của ông ngày càng mở rộng.

Kiếm nửa tỷ bạc mỗi tháng từ những thứ bỏ đi  - 2

Sau 10 năm gắn bó với nghề phế liệu, ông Nguyễn Văn Dũng tạo dựng được cơ nghiệp, làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hiện gia đình ông Dũng có 2 xưởng thu gom, phân loại phế liệu. Ông sắm 2 ô tô tải chuyên phục vụ việc vận chuyển phế liệu từ các đại lý về xưởng. Các loại phế liệu sau khi tập kết tại xưởng sẽ được ép, đóng thành từng khối, trọng lượng 80-100kg.

"Cứ 10 xe phế liệu thì đóng được một xe hàng nhập cho các công ty chuyên tái chế. Trung bình mỗi tháng cơ sở của tôi nhập 5-6 xe, trị giá 500-600 triệu đồng", ông Dũng thông tin.

Uy tín lan xa, bạn hàng tìm đến ông nhiều hơn. Ngoài cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở trong huyện, hàng của ông đã xuất đi nhiều tỉnh thành khác như Thái Bình, Hà Nam...

Kiếm nửa tỷ bạc mỗi tháng từ những thứ bỏ đi  - 3

Phế liệu sau khi ép, đóng từng khối được tập kết để xuất đi các tỉnh.

Không chỉ tạo dựng được cơ nghiệp để lo cho cả gia đình, ước mơ "kiếm cho con cái nghề" của ông Dũng cũng trở thành hiện thực. Hiện ngoài 2 con đang ở nước ngoài, bằng vốn liếng và kinh nghiệm của mình, ông Dũng giúp 2 người con khác tạo lập xưởng thu gom phế liệu. Chỉ sau thời gian ngắn "ra riêng", sự nhanh nhạy, táo bạo đã giúp các con ông đứng vững trong nghề và mở rộng quy mô xưởng, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong xã.

Nhân công thu nhập ổn hơn làm ruộng

Thời điểm hiện tại, xưởng thu gom, phân loại phế liệu của ông Dũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động.

Kiếm nửa tỷ bạc mỗi tháng từ những thứ bỏ đi  - 4

Bà Sen có thâm niên 10 năm gắn bó với việc phân loại phế liệu tại xưởng của ông Dũng.

Bà Nguyễn Thị Sen có thâm niên 10 năm gắn bó với cơ sở thu gom của vợ chồng ông Dũng. Công việc chính của bà Sen là phân loại phế liệu. "Phế liệu được chia thành nhiều loại, loại nhựa giòn, nhựa dẻo, sắt thép, linh kiện điện tử. Cũng phải mất khá nhiều thời gian mới có thể phân loại được. Phân loại nhựa khá đơn giản, còn phân loại linh kiện điện tử thì cần phải tỉ mỉ, giống như "đãi cát tìm vàng", bà Sen cho biết.

Với tiền công 200.000 đồng/ngày, trừ những ngày lễ, nghỉ, mỗi tháng bà Sen có thể kiếm được khoảng 5 triệu đồng. So với trồng lúa và hoa màu thì mức thu nhập từ nghề phân loại phế liệu cao và ổn định hơn.

Kiếm nửa tỷ bạc mỗi tháng từ những thứ bỏ đi  - 5

Bà Lan mới đến xưởng làm việc được hơn một năm. Công việc không quá nặng nhọc mà đủ cho bà trang trải chi tiêu.

Từng làm tại một xưởng nhựa ở nơi khác, một năm trở lại đây, bà Hoàng Thị Lan (60 tuổi) về làm việc cho xưởng phân loại phế liệu của ông Dũng. "Công việc không nặng nhọc, cũng không quá bó buộc về thời gian nên ngoài làm việc ở đây, tôi cũng tranh thủ làm ruộng, trồng rau. Thu nhập đủ trang trải cho gia đình", bà Lan nói.

Nếu như công việc phân loại cần sự tỉ mỉ thì nhóm công nhân theo các xe tải đi bốc hàng cần có sức khỏe và sự dẻo dai, tất nhiên, tiền công cũng tương xứng với công sức bỏ ra. Mỗi ngày, công nhân bốc hàng được trả công 350.000 đồng, chưa tính cơm trưa.

Kiếm nửa tỷ bạc mỗi tháng từ những thứ bỏ đi  - 6

Hiện 2 cơ sở thu gom, phân loại nhựa tái chế của ông Dũng tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương khá.

Ông Đậu Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Diễn Kỷ cho biết: "Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dũng có 2 cơ sở thu mua phế liệu, doanh thu hàng năm khá lớn. Ngoài tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình, cơ sở này còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Về vấn đề vệ sinh môi trường, 2 năm trở lại đây, cơ sở này đã khắc phục được những tồn tại, không để ảnh hưởng đến người dân xung quanh".