Khủng hoảng nhân sự cao cấp

Trước thềm hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam mang một nỗi lo canh cánh khác trong cuộc cạnh tranh là thiếu hụt về nhân sự.

Người tìm việc thì nhiều, người đáp ứng thì ít

Mỗi năm Việt Nam có 1,2 triệu người đến tuổi lao động và được bổ sung  vào lực lượng lao động của đất nước. Nguồn bổ sung dồi dào này một mặt giải quyết được vấn đề nhân công cho một nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên lượng lao động thì được bổ sung, nhưng chất lượng thì không tăng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp không đi tìm những người lao động chung chung, mà tìm người có trình độ ngành nghề và kỹ năng làm việc hiệu quả. Và vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều đứng trước tình cảnh “ngứa con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải” nhưng vẫn không tìm được nhân viên vừa ý.

Doanh nghiệp tư nhân nước uống Sapuwa thành lập từ năm 1992, có thị trường khá rộng lớn ở TPHCM, đến nay có 300 lao động. Thế nhưng ông Lê Như Ái, giám đốc doanh nghiệp bộc bạch: “Một trong những khó khăn mà chúng tôi phải đương đầu tìm kiếm và sử dụng, đó là nguồn nhân lực cao cấp. Quả thật, người tìm việc thì nhiều, nhưng người thực sự đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp rất hiếm hoi”.

Cũng như ông Ái, ông Bùi Văn Hải, lãnh đạo Công ty Kềm Nghĩa than thở: “Trong suốt gần 2 năm săn lùng, rao tìm các vị trí trưởng phòng, có nhiều ứng viên đến dự tuyển, nhưng thật khó khăn đến giờ này chúng tôi vẫn không thể nào tuyển được người”.

Bà Trần Thị Đường, Cố vấn Công ty Dệt Phong Phú cho biết, có đợt Phong Phú tuyển dụng, trong số 20 ứng viên chỉ chọn được 2.

Các nhà tuyển dụng than thở khá nhiều điều về lực lượng nhân sự hiện nay. Một nhược điểm lớn mà nhà tuyển dụng đặc biệt than phiền là tư duy sáng tạo, khả năng tự tin, chủ động trong công tác của nhân viên rất thấp. Nhân viên không có hoặc không dám đưa ra ý tưởng mới, mà thường thụ động chờ ý kiến cấp trên, chờ đề tài, hướng dẫn và làm theo một cách máy móc.

Các doanh nghiệp còn cho rằng kiến thức xã hội của sinh viên mới ra trường quá ít ỏi. Cứ tưởng rằng điều này không lớn lao, nhưng thực chất nếu không có kiến thức xã hội, thì nhân viên cũng không thể nhanh nhạy.

Cầu tăng, cung không đổi

Trên thực tế nguồn cung lao động vẫn không hề thiếu, nhưng thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao. Ông Tiffani Nguyễn, giám đốc Phát triển chiến lược của website www.vietnamworks.com và là tác giả của bản thông số nhân lực Việt Nam, cho biết: trong quý II/2005, 30 ngành đều có nhu cầu tuyển dụng tăng cao, trong đó nhu cầu kế toán tăng 87%.

Nhưng ngược lại, nguồn cung lại không mấy thay đổi. Hai ngành hành chính - thư ký và kế toán giảm cung 80% và 35%.

Ông Jonah Levey, Tổng giám đốc Vietnamworks.com và Navigos Group, nhận xét: Thông số nhân lực cho thấy khoảng trống giữa cung và cầu trên thị trường lao động vẫn tiếp tục tăng. Nhu cầu về chuyên môn cao vẫn đang tiếp diễn và ngày càng xa mức cung.

Sự thiếu hụt nhân sự, hiện nay đang là mối quan tâm “đau đầu” của các doanh nghiệp. Trước tình cảnh “nhân tài như lá mùa thu”, ông Nguyên Tân Kỷ, Tổng giám đốc Công ty liên doanh công nghiệp Masan, đã phải thốt lên: “Chúng ta luôn thấy thiếu người tài, hay người tài còn ở chỗ nào đó chứ không phải chỗ chúng ta!”.

"Cỗ xe cầu hiền" của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn canh cánh một niềm "phía tả"!

Theo Vietnamnet