Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

"Không sớm đào tạo nhân lực làm tín chỉ carbon, chip bán dẫn sẽ tụt hậu"

Nguyễn Đức Trịnh

(Dân trí) - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long chú trọng đào tạo những ngành nghề mới để đón đầu thị trường lao động, đặc biệt là ngành bán dẫn, thị trường tín chỉ carbon...

Tập trung thực học, thực hành, thực nghề

Sáng 21/12, dự lễ khai giảng năm học 2023-2024 và kỷ niệm 10 năm nâng cấp lên đại học của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả mà nhà trường đã đạt được trong suốt 63 năm hình thành và phát triển.

Không sớm đào tạo nhân lực làm tín chỉ carbon, chip bán dẫn sẽ tụt hậu - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Cụ thể, chỉ sau 10 năm nâng cấp từ cao đẳng lên đại học, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã nâng tổng số lượng sinh viên đào tạo từ 300 lên 13.000, đội ngũ thầy cô giáo có 7 phó giáo sư, 50 tiến sĩ, 300 thạc sĩ.

"92% sinh viên ra trường có việc làm. Ít ai nghĩ một trường đại học thuộc lĩnh vực dạy nghề lại có kết quả đào tạo tốt như vậy. Tôi xin gửi lời cảm ơn các các cơ quan Trung ương, UBND tỉnh Vĩnh Long đã luôn cùng Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ và giành những gì tốt nhất để trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long phát triển như ngày hôm nay ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Chia sẻ với lãnh đạo nhà trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để đột phá phát triển kinh tế trong thời gian tới, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi không gian và chuyển đổi xã hội. Do vậy, nhà trường cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vì đây là vấn đề hết sức quan trọng để có thể phát triển bền vững.

Không sớm đào tạo nhân lực làm tín chỉ carbon, chip bán dẫn sẽ tụt hậu - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao bằng khen tới lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

"Trường cần tiếp tục lấy sinh viên làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực phát triển. Cần tập trung thực học, thực hành và thực nghề để sinh viên ra trường có việc làm, có thu nhập tốt", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắn nhủ thêm.

Định hướng phát triển nhà trường thời gian tới, Bộ trưởng gợi ý nhà trường chủ động tham gia đào tạo những ngành nghề mới như chip bán dẫn, tín chỉ carbon. 

Ông phân tích, tới đây, cả nước cần tối thiểu 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chip bán dẫn. Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm chip của thế giới. Đào tạo, cung ứng nhân lực đón đầu là tạo được lợi thế cạnh tranh.

Về hướng đào tạo nhân lực nghề tín chỉ carbon, theo Bộ trưởng, thị trường tín chỉ carbon đang được thế giới rất quan tâm, nếu không sớm đào tạo, chuẩn bị nguồn lao động sẽ bị lạc hậu rất nhanh.

Bộ trưởng cũng nhắc ban lãnh đạo nhà trường cần tiếp tục chăm lo, nâng cao đời sống cho đội ngũ giáo viên, nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ việc đào tạo thời đại số ngày một tốt hơn.

Đào tạo đa ngành, đa cấp độ

Không sớm đào tạo nhân lực làm tín chỉ carbon, chip bán dẫn sẽ tụt hậu - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dụng tặng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tranh lưu niệm nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024 (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Chia sẻ tại buổi lễ, PGS.TS. Cao Hùng Phi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long báo cáo, sau 10 năm nâng cấp lên thành trường đại học, hiện trường đào tạo đa ngành, đa cấp trình độ và đa hệ đào tạo ngang tầm các trường đại học lớn trong cả nước và tiếp cận khu vực Đông Nam Á.

Trường cũng là là cơ sở trọng điểm về đào tạo giáo viên dạy nghề và lao động kỹ thuật cao; là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ chất lượng cao; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thời gian qua, trường chú trọng nâng cao trình độ giảng viên; đầu tư thiết bị thực hành; mở rộng liên kết với các đối tác uy tín quốc tế nhằm nâng cao năng lực đào tạo phù hợp với trình độ thế giới.

Không sớm đào tạo nhân lực làm tín chỉ carbon, chip bán dẫn sẽ tụt hậu - 4

Những thầy cô có thành tích xuất sắc của nhà trường nhận Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Trường đã được kiểm định cơ sở giáo dục đại học và hoàn thành kiểm định 2 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 12 chương trình đào tạo trình độ đại học theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Hiện tại nhà trường đang đào tạo ở 32 ngành với 49 chuyên ngành trình độ đại học. Đào tạo trình độ cao học với 16 chuyên ngành thạc sĩ và 6 ngành đào tạo tiến sĩ với lưu lượng gần 13.000 học viên và sinh viên.

Không sớm đào tạo nhân lực làm tín chỉ carbon, chip bán dẫn sẽ tụt hậu - 5

PGS.TS. Cao Hùng Phi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đón nhận quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt đầu tư dự án nhà nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc trường (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Đặc biệt, năm học 2022-2023, với việc là một trong 16 trường thụ hưởng dự án "Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện", Trường được đầu tư với nguồn vốn 8,4 triệu USD về thiết bị công nghệ hàng đầu thế giới cho các ngành trọng điểm ở các ngành Điện - điện tử, Cơ khí và Công nghệ thực phẩm. Hiện tại các thiết bị đã được đưa vào chương trình học cho sinh viên nhà trường.

Không sớm đào tạo nhân lực làm tín chỉ carbon, chip bán dẫn sẽ tụt hậu - 6

Cũng nhân dịp này, nhà trường khánh thành nhà giáo dục thể chất và quốc phòng an ninh (Ảnh: Trịnh Nguyễn).