Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

"Không quyền anh quyền tôi, nhận việc vì lợi ích chung"

Lê Hoa Nguyễn Sơn

(Dân trí) - Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định như thế khi trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm và đầu mối quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Kết thúc buổi làm việc sáng 6/6, đại biểu Dương Khắc Mãi nêu vấn đề, đào tạo nghề là trang bị cần câu, cách câu được cá. Tuy nhiên, số lượng đào tạo nghề chưa tương xứng năng suất, chất lượng lao động. Vậy Bộ trưởng cho biết giải pháp, định hướng đào tạo nghề, đặc biệt cho thanh niên trong thời gian tới ra sao?

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chất vấn đề 2 chỉ tiêu không đạt trong kết quả thực hiện kinh tế, xã hội, trong đó có chỉ tiêu tăng năng suất lao động. Đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp của vấn đề trên?

Bên cạnh đó, đại biểu này cho biết chính sách thuê nhà cho người lao động đã kết thúc song mới giải ngân hơn 64%. Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về ai?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) chất vấn: Tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28, Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì đàm phán, ký kết các Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ đã triển khai thực hiện chỉ đạo này như thế nào, kết quả thực hiện trong 5 năm qua ra sao, giải pháp nào để đẩy nhanh việc ký hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội trong thời gian tới, nhất là các quốc gia có đông người Việt Nam lao động. Việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội ở các nước chưa ký hiệp định ra sao? Bộ trưởng có suy nghĩ gì khi nhiều người lao động đi lao động ở nước ngoài vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội hai lần?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chất vấn: Chỉ thị 21 của Ban Bí thư đặt mục tiêu đến năm 2023 thu hút được 50 đến 55% học sinh vào học các trường nghề, có ý kiến cho rằng đây là mục tiêu khó, nhưng sẽ dễ hơn rất nhiều nếu thống nhất được hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống giáo dục phổ thông, và cùng một bộ thực hiện quản lý nhà nước.

Hiện nay, trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có tên các trường nghề của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong tổng kết năm học của các trường THPT cũng chỉ nêu tỷ lệ đỗ đại học như một sự vinh danh, không nêu tỷ lệ đỗ trường nghề. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này.