1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Không dám về quê vì... thất nghiệp 6 tháng, nợ tiền khắp nơi

(Dân trí) - "Thất nghiệp 6 tháng qua, tôi giờ không biết phải sống ra sao. Tôi còn nợ tiền phòng trọ mấy tháng nay rồi... ", chị Lê Thị Trang (41 tuổi, quận Bình Tân, TPHCM) nghẹn ngào chia sẻ.

Không dám về quê vì... thất nghiệp 6 tháng, nợ tiền khắp nơi - 1

Sâu trong những khu trọ là bao gia đình công nhân, người lao động trụ lại TPHCM, chật vật từng ngày mong chờ được trở lại làm việc.

Xin việc khắp nơi 

Từ Cần Thơ lên TPHCM mưu sinh, chị Trang (41 tuổi) làm phụ bếp ăn trường học với mức thu nhập bấp bênh, chồng chị làm bốc vác, ai thuê gì thì làm nấy. Hoàn cảnh khó khăn nên đứa con gái duy nhất của vợ chồng chị Trang dù đã 9 tuổi nhưng vẫn chưa được đi học.

"Không tiền nên ai cho gạo, cho rau thì gia đình tôi gói ghém ăn qua ngày. Người lớn nên sức chịu đựng cũng tốt hơn, chỉ tội cho con nhỏ nhưng cũng đành chấp nhận", chị Trang nói.

"Đứa con gái 9 tuổi chỉ quanh quẩn trong nhà, hôm nào ba rảnh sẽ dạy chữ cho nó. Vậy mà con bé rất hiểu chuyện, thấy vợ chồng tôi không đi làm được nó cũng buồn theo, ngây ngô hỏi có phải cứ ở nhà hoài sẽ không có tiền sống không mẹ...", chị Trang kể thêm.

"Tôi chỉ muốn đi làm đặng có tiền lo cho con. Thất nghiệp 6 tháng rồi, từ tháng 4 đến giờ. Giờ không biết sống sao. Nợ tiền phòng trọ mấy tháng rồi", chị Lê Thị Trang nghẹn ngào khi được hỏi về những dự định sắp tới.

Một sự may mắn đến với gia đình chị Trang khi chồng chị được quay trở lại làm công việc bốc vác 3 hôm nay. Lấy đó làm động lực tìm việc làm mới để ổn định thu nhập sau dịch, chị nhờ người bạn tìm việc trên mạng giúp mình rồi tự chạy đôn chạy đáo đến xin việc.

Không dám về quê vì... thất nghiệp 6 tháng, nợ tiền khắp nơi - 2

Chị Trang (bên trái) cho biết đi xin việc khắp nơi nhưng... không ai nhận. 

"Không biết khi nào trường học mới mở lại để phụ bếp nên tôi đành tìm việc mới nhưng chưa ai nhận. Tôi ráng tìm thêm, nếu vẫn không được nữa thì tôi cũng đành chờ đợi, quay lại làm công việc trước kia, kiếm tiền trang trải cuộc sống", chị Trang cho biết.

Nỗi buồn 10 năm tha hương

Đầu tháng 10, khi hay tin khoảng 30% công nhân công ty PouYuen (Quận Bình Tân, TPHCM) đi làm trở lại, chị Hoàng Thị Hường (29 tuổi) vui mừng ra mặt. Mỗi ngày chị đều chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại cũ kỹ để mong được nhận tin nhắn từ công ty, nhưng hơn chục ngày nay vẫn "bặt vô âm tín".

"Mình gọi hỏi khi nào có thể đi làm thì được thông báo khu trọ mình đang ở thuộc vùng đỏ nên vẫn 'ai ở đâu ở yên đó'. Mong được đi làm lắm, đi làm mới có tiền xoay xở nuôi 2 đứa con..." - chị Hường xúc động nói.

Ngồi trong căn phòng trọ chật hẹp ở sâu trong con hẻm 933 Tỉnh lộ 10 (Quận Bình Tân), chị Hường tay ôm đứa con gái nhỏ mới 3 tuổi, cau mày trăn trở về những ngày sắp tới.

Ròng rã mấy tháng qua, chị Hường cùng chồng là anh Trần Phúc Luông (34 tuổi,) cùng rơi vào cảnh thất nghiệp. Mất việc, chị Hường lấy việc chăm sóc đứa con gái nhỏ làm niềm vui. Còn chồng chị thì mỗi ngày đều ngồi thẫn thờ, thấp thỏm trước cửa, chờ đợi thông báo đi làm lại từ một công ty trong khu công nghiệp Tân Tạo (Quận Bình Tân).

Không dám về quê vì... thất nghiệp 6 tháng, nợ tiền khắp nơi - 3

Chị Hường nôn nóng đi làm để có tiền nuôi con.

Chị Hường tâm sự, tròn 10 năm hai vợ chồng từ Nghệ An vào TPHCM mưu sinh vì quá nghèo. 10 năm qua, đồng lương công nhân chỉ đủ cho hai vợ chồng sống tạm. Khi dư giả một chút anh chị lại gửi tiền về quê cho cha mẹ già và đứa con 7 tuổi lo sinh hoạt. Không có tài sản tích lũy nên khi thất nghiệp, hai vợ chồng trẻ chới với.

"Đôi lúc tối nằm nghĩ lại cũng thấy buồn, thấy người ta đổ về quê tôi cũng muốn bỏ về theo nhưng về rồi biết phải làm gì kiếm sống. Ở quê cũng khó khăn trăm bề, mình về có khi lại buồn hơn", chị Hường tâm sự.

Những ngày qua, gia đình nhỏ của chị sống nhờ vào nguồn thực phẩm từ các nhóm thiện nguyện, sự đồng cảm hỗ trợ tiền trọ từ chủ nhà, trợ cấp từ công ty và chính quyền địa phương. "Không có tấm lòng của mọi người thì tôi cũng không trụ lại Sài Gòn được đến giờ", chị Hường nói.

Khi biết mình thuộc nhóm công nhân chưa được đến công ty làm việc, chị cũng buồn nhưng nghĩ lại, chị đâu thể đi làm vì nhà trẻ đóng cửa, con nhỏ không ai giữ. Vì thế, mong muốn lớn nhất của chị Hường lúc này là tìm được chỗ giữ con để 2 vợ chồng yên tâm, chờ ngày quay trở lại làm việc.