Khốn đốn vì "nghe nói..."

Do nhận thức hạn chế, thiếu thông tin nên đôi khi người lao động hành xử bộc phát khiến doanh nghiệp nhọc công giải quyết... Công khai, minh bạch và thân thiện là điều mà doanh nghiệp cần hướng tới

Khốn đốn vì nghe nói...
Người lao động cần được biết rõ thông tin để không hành xử bộc phát, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và mất an ninh trật tự xã hội. Ảnh: MAI CHI
Tại buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp tổ chức mới đây, nhiều người đặc biệt quan tâm đến vấn đề “Xử lý khủng hoảng do tin đồn” được ông Lê Kim Ngô, Giám đốc Công ty Đức Long (quận 7,TP HCM), nêu ra.

Ông Ngô kể: “Nhận được đơn kiến nghị nặc danh với lời đe dọa sẽ lãn công nếu công ty cắt giảm phụ cấp đi lại, tôi rất ngạc nhiên vì công ty chưa hề có ý định đó dù giá xăng dầu đã liên tục giảm. Sau khi điều tra, chúng tôi phát hiện đó chỉ là tin đồn xuất phát từ thông tin của một công ty bên cạnh”.

Chuyện không thành có

“Nghe nói bên công ty tôi sắp sửa cắt tiền xăng của công nhân (CN) từ 200.000 đồng/tháng còn 100.000 đồng. Nhỏ bạn tôi thân với trưởng phòng tài vụ nên mới được tiết lộ thông tin này. Nghe đâu ngoài xăng dầu, một số phụ cấp khác cũng bị cắt giảm do chỉ số giá tiêu dùng giảm”. Một số công nhân Công ty Đức Long ở cùng khu trọ với một nữ CN Công ty S.M (KCX Tân Thuận, TP HCM) nghe bạn kể như vậy trong bữa cơm tối.

Câu chuyện sau đó được thêm thắt, thổi phồng thành “Công ty đó cắt thì chắc chắn công ty mình cũng cắt. Trước giờ, các công ty hay bắt tay nhau như vậy”. Chỉ mấy ngày sau, tin đồn từ nhà trọ đã vô tới công ty. Mọi người nhấp nhổm, lo lắng nhưng chẳng dám hỏi vì sợ “bị để ý”. Cuối cùng, có người “hiến kế” viết thư khiếu nại ký tên “tập thể CN” gửi cho giám đốc.

Khi văn phòng chuyển thư đến tay giám đốc, ông “té ngửa”, vội vàng triệu tập các phòng, ban và Công đoàn (CĐ) tìm cách giải quyết. Giám đốc Lê Kim Ngô chia sẻ: “Tôi lập tức ra thông báo khẳng định với CN đó chỉ là tin đồn và cho biết công ty cùng CĐ đang dự thảo thỏa ước mới, trong đó hoàn toàn không cắt giảm mà còn nâng một số chế độ cho người lao động.

Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ tôi phát hiện phòng nhân sự có một nữ nhân viên lớn tuổi tính tình rất khó chịu, hay la rầy CN nên họ ngại không dám hỏi. Tôi đã chuyển nhân viên này sang vị trí công việc khác”.

Cứ nghe ngóng rồi bàn tán

“Năm nay, công ty không tăng lương tối thiểu vì luật cho phép doanh nghiệp toàn quyền quyết định việc trả lương cho người lao động. Tăng lương hay không là tùy hảo tâm của chủ doanh nghiệp. Nghe đồn phòng tài chính bảo vậy. Chắc phải ngừng việc thì may ra mới được tăng lương...”. Đây là thông tin khiến ban giám đốc Công ty Kim Cương (quận Tân Bình, TP HCM) “đau đầu” truy tìm nguyên nhân và giải quyết hậu quả trong suốt tuần lễ đầu tháng 1-2015.

Người lao động cần được biết rõ thông tin để không hành xử bộc phát, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và mất an ninh trật tự xã hộiẢnh: MAI CHI

Bà Lê Thị Bích Nga, phó giám đốc công ty, cho biết một quản đốc xưởng sản xuất đã báo cáo như vậy. Nghe CN xầm xì bàn tán, chị quản đốc đã cố giải thích là năm nay vẫn tăng lương tối thiểu vùng vì Chính phủ đã ban hành nghị định, thời điểm tăng lương là ngày 1-1-2015 nhưng phải đến tháng 2-2015 thì CN mới được nhận lương mới.

Thế nhưng, có một nam CN chìa ra tờ báo, trong đó có đoạn nói về việc tăng lương cho đối tượng thu nhập thấp có hệ số lương từ 2.34 trở xuống. Anh ta tuyên bố: “Báo đã nói thì làm sao sai được? Công ty mình đâu có xếp lương hệ số nên chắc chắn sẽ không tăng lương”.

Tội nghiệp chị quản đốc làm thì giỏi nhưng kiến thức pháp luật có hạn nên không hiểu đối tượng trong bài báo mà anh CN đề cập là những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Vậy là chị phải cầu cứu ban giám đốc. Bà Bích Nga lắc đầu: “Thà anh em hỏi thẳng mình dễ trả lời, đằng này họ cứ nghe ngóng rồi bàn tán, mệt hết sức.

Sau vụ này, giám đốc đã yêu cầu phòng nhân sự in quy định về tăng lương tối thiểu vùng phát đến tận tay CN. Sắp tới, công ty với CĐ sẽ phối hợp tổ chức cho CN kiểm tra, viết thu hoạch”.

“Đồn không còn được trợ cấp thất nghiệp”. Giám đốc một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại KCX Tân Thuận, TP HCM cho biết tháng 12-2014, công ty nhận được hơn 200 đơn xin nghỉ việc với lý do “nghe nói” sắp tới không được hưởng trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp cũng bị cắt giảm còn 50%... “Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm trong việc người lao động không nắm vững thông tin chính thức mà chỉ nghe đồn từ bên ngoài. Công khai, minh bạch và thân thiện là điều mà doanh nghiệp cần hướng tới để có mối quan hệ lao động hài hòa” - vị giám đốc này chia sẻ.



Theo Báo Người lao động