Khởi kiện đòi kinh phí công đoàn
Pháp luật hiện hành quy định doanh nghiệp (DN) có hay không có CĐCS đều phải đóng kinh phí CĐ bằng 2% tổng số tiền lương đóng BHXH cho người lao động (NLĐ). Khoản tiền này các cấp CĐ sẽ dùng để chăm lo cho NLĐ và duy trì hoạt động. Thực tế, nhiều DN cố tình “phớt lờ”, hoặc trây ỳ, nợ, khiến việc CĐ chăm lo cho NLĐ gặp khó khăn.
Không “bó tay” với sự trây ỳ của DN, LĐLĐ huyện Bình Chánh (TPHCM), đã khởi kiện để đòi kinh phí CĐ và thu được nhiều thành quả.
Pháp luật hiện hành quy định doanh nghiệp (DN) có hay không có CĐCS đều phải đóng kinh phí CĐ bằng 2% tổng số tiền lương đóng BHXH cho người lao động (NLĐ). Khoản tiền này các cấp CĐ sẽ dùng để chăm lo cho NLĐ và duy trì hoạt động.
Thực tế, nhiều DN cố tình “phớt lờ”, hoặc trây ỳ, nợ, khiến việc CĐ chăm lo cho NLĐ gặp khó khăn. Không “bó tay” với sự trây ỳ của DN, LĐLĐ huyện Bình Chánh (TPHCM), đã khởi kiện để đòi kinh phí CĐ và thu được nhiều thành quả.
Có căn cứ pháp luật vững chắc
LĐLĐ huyện Bình Chánh hiện quản lý 620 CĐCS, trong đó có 480 CĐCS khu vực ngoài nhà nước với gần 23.000 đoàn viên/28.000 NLĐ. Hầu hết các DN trên địa bàn huyện đã đóng kinh phí CĐ đầy đủ theo đúng quy định, từ đó LĐLĐ huyện cấp lại kinh phí cho các CĐCS để hoạt động chủ yếu là chăm lo cho đoàn viên, NLĐ.
Mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến nhiều, nhưng vẫn còn một số DN chưa tự giác chấp hành pháp luật, chưa đóng hoặc đóng không đủ kinh phí CĐ dẫn đến việc LĐLĐ huyện chưa có kinh phí để cấp lại cho CĐCS hoạt động và chăm lo cho NLĐ. Trước tình hình đó, LĐLĐ huyện quyết định phải khởi kiện để đòi kinh phí CĐ.
Ông Nguyễn Hữu Chí - Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh - nhớ lại: “Lúc đầu, cũng còn nhiều ý kiến lo ngại như có cơ sở pháp lý để kiện không? Kiện có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương? Đụng chạm với DN thì hoạt động CĐ sẽ gặp khó khăn…”.
Để trả lời những câu hỏi này, LĐLĐ huyện đã nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, qua đó thấy Khoản 3, Điều 30 Luật Công đoàn 2012 quy định: “Tranh chấp liên quan đến việc không thực hiện hoặc từ chối thực hiện trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động đối với CĐ thì CĐCS hoặc CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật”.
Có được cơ sở pháp luật vững chắc, LĐLĐ huyện đã báo cáo với Ban Thường vụ Huyện ủy để phối hợp với các ngành chức năng để chuẩn bị khởi kiện. “Thật vui khi Ban Thường vụ Huyện ủy và các ngành chức năng ở huyện đều ủng hộ chủ trương này. Chính điều đó là động lực lớn để chúng tôi bắt tay vào việc khởi kiện đòi kinh phí CĐ” - ông Chí hào hứng kể.
Không đóng kinh phí CĐ, DN “thiệt đơn thiệt kép”
Để có căn cứ khởi kiện, LĐLĐ huyện Bình Chánh đã làm việc với cơ quan BHXH để xác minh số tiền đóng BHXH của DN cho NLĐ. Sau đó, LĐLĐ huyện sẽ 2 lần gửi thư mời DN đến trao đổi, đề nghị đóng kinh phí CĐ theo đúng quy định.
“Không phải dễ dàng, có DN đến chất vấn lại chúng tôi thu kinh phí CĐ rồi dùng để làm gì? Lại có DN thì thách thức… Chúng tôi kiên trì giải thích cho DN quy định của pháp luật và việc sử dụng tài chính CĐ theo hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN, LĐLĐ TPHCM là chủ yếu để chăm lo cho NLĐ. Thế nhưng vẫn có nhiều DN không chịu nộp kinh phí CĐ. Đến lúc đó, chúng tôi đành phải đưa vụ việc ra tòa theo đúng quy định” - ông Chí kể.
Từ năm 2017 đến nay, LĐLĐ huyện Bình Chánh đã khởi kiện 25 DN nợ kinh phí CĐ. Điều đáng mừng, qua hòa giải tại tòa trước khi xét xử, đã có 19 DN đóng kinh phí CĐ với số tiền gần 5,67 tỉ đồng. Có được số tiền này, LĐLĐ huyện Bình Chánh có thêm nguồn lực để chăm lo cho NLĐ.
Số còn lại, các DN đã có văn bản gửi LĐLĐ huyện cam kết lộ trình thực hiện đóng kinh phí CĐ. Hiện TAND huyện còn đang thụ lý đơn kiện 6 DN nợ hơn 1,7 tỉ đồng.
Luật sư Nguyễn Hữu Học (Đoàn Luật sư TPHCM) phân tích: DN nên nộp kinh phí CĐ đầy đủ. Bởi lẽ, nếu chậm nộp, DN có thể xử phạt từ 12% đến 20% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng, tùy việc chậm đóng, đóng không đúng mức, đóng không đủ hay không đóng.
Ngoài ra, DN còn phải trả thêm tiền lãi (với lãi suất không kỳ hạn cao nhất của ngân hàng thương mại) tính trên số tiền kinh phí CĐ chưa đóng, chậm đóng. Chưa kể, danh tính của DN nợ, trây ỳ kinh phí CĐ có thể bị bêu ra trước công luận, ảnh hưởng đến uy tín, như vậy, DN sẽ thiệt đơn, thiệt kép.
Theo Nam Dương/Báo Lao động