Khóc với thưởng Tết: Nghe thông báo lập tức muốn... nghỉ việc
(Dân trí) - Thưởng Tết 100.000 đồng hay thưởng giấy vệ sinh, gạch, túi xách... là những khoản thưởng Tết mà khi vừa nghe thông báo hoặc nhận thưởng, nhân viên chỉ muốn nghỉ việc.
Dừng việc vì nhận thưởng Tết 100.000 đồng
Mới đây, khi công ty TNHH Toyo Precision, quận 7, TPHCM công bố kế hoạch thưởng Tết 2022 và tăng lương 2023, lập tức hàng trăm công nhân tại đây đã ngừng việc phản đối.
Theo phản ánh của công nhân, người lao động nghỉ việc sau khi công ty thông báo chỉ thưởng Tết mức 100.000 đồng cho những người làm việc chưa đủ một năm. Thưởng Tết của công nhân đủ một năm trở lên gồm lương căn bản và phụ cấp tỷ lệ 1,1 (tức được tăng thêm 10%). Ngoài ra, công ty cũng thông báo mức tăng lương năm 2023 chỉ là 2,25%.
Với mức thưởng và tỷ lệ tăng lương quá thấp, nhiều công nhân phản đối bằng cách vẫn đến công ty nhưng không vào xưởng làm việc. Họ ngồi tụ tập tại cổng công ty, trước cửa sảnh tòa nhà chính và xung quanh nhà máy.
Sau phản ứng trên, công đoàn và tập thể công nhân của công ty phải tổ chức thương thảo để điều chỉnh thưởng Tết cho công nhân làm việc chưa đủ một năm, tỷ lệ phụ cấp trong mức thưởng Tết cho công nhân thâm niên trên một năm và tỷ lệ tăng lương năm 2023.
Phản ứng của công nhân tại công ty Toyo Precision là điều dễ hiểu. Bởi ai cũng biết, 100.000 đồng tiền thưởng ấy, cùng lắm người lao động mua được vài ký gạo hay vài gói bánh hoặc cho một lần đổ bình xăng...
Thưởng Tết không phải là khoản chi trả bắt buộc theo luật định. Tuy nhiên, thực tế cả phía doanh nghiệp và người lao động đều hiểu đây là khoản quan trọng sau cả năm làm việc. Ngoài giá trị vật chất, thưởng Tết còn mang giá trị tinh thần trong việc giữ nhân sự của các doanh nghiệp.
Vậy nhưng, có không ít nơi khoản thưởng quá bèo bọt hoặc những cách thức thưởng Tết khóc cười gây thất vọng dẫn đến việc nhiều người lao động sau khi nhận thưởng Tết chỉ muốn nghỉ việc.
Điều 103 Bộ luật Lao động 2012 quy định, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Nhưng tại Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, tại điều Điều 104 quy định về "thưởng" thay vì "tiền thưởng". Theo đó, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Như vậy, theo quy định này thì từ năm 2021, doanh nghiệp có thể thưởng Tết bằng hiện vật chứ không chỉ là tiền thưởng.
Thưởng Tết bằng hiện vật không phải là chuyện hiếm và thường kéo theo những tình huống dở khóc dở mếu khi người lao động nhận quà tặng là sản phẩm do chính doanh nghiệp mình sản xuất hoặc kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón, gạch, giấy/băng vệ sinh, túi xách... thưởng Tết bằng sản phẩm của công ty làm người lao động phải méo mặt.
Thưởng Tết bằng 4kg thịt, xương, mỡ lợn
Chị Kim Dung, ở TP Thủ Đức, TPHCM kể, khi chị khoe thưởng Tết mà cả nhà cười như khóc. Chị làm nhân viên tại một hệ thống bán túi xách, giày dép và năm nay được thưởng Tết là... 3 chiếc túi xách.
Chị Dung đành rao bán, hạ đến 50% so với giá được niêm yết tại cửa hàng nhưng cũng không mấy ai ngó ngàng. Chiếc túi có tem giá 800.000 đồng, đem thanh lý chưa đến 400.000 đồng.
Bán được đồ thưởng Tết xong, chị Dung nói: "Ai cũng nói có lương có thưởng là mừng rồi nhưng mà tôi vẫn nghẹn đắng. Ra năm tôi tìm công việc khác, hy vọng không phải méo mặt khi nhận thưởng Tết nữa".
Hay như anh Phúc, ở Tân Bình, TPHCM làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm được tặng 4 kg thịt, xương, mỡ các loại hàng đông lạnh.
Nói đến thưởng Tết bằng hiện vật, anh Phúc cười giải thích công ty mình bán thịt. Chứ nhiều nơi sản xuất xi măng, gạch, giấy vệ sinh, làm ảnh thờ, quan tài... thưởng Tết bằng hiện vật thì người lao động khó mà "nuốt trôi".
Đánh giá của các chuyên gia nhân sự về tiền thưởng Tết 2023, hầu hết các doanh nghiệp vẫn sẽ duy trì tháng lương thứ 13. Nhưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đơn hàng giảm sút, thậm chí không đảm bảo cho cả việc chi trả lương. Vì vậy, việc thưởng Tết nhiều nơi sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên, dù thưởng Tết bằng tiền hay hiện vật, ít nhiều thì điều quan trọng nhất lãnh đạo cần nghĩ cho người lao động, cho người lao động thấy được sự tôn trọng kể cả lúc khó khăn nhất. Còn ngược lại, thưởng Tết có thể gây ức chế cho người lao động và rất khó để họ nghĩ đến việc gắn bó...