Khổ vì sổ bảo hiểm xã hội

Không chỉ bị thiệt thòi quyền lợi, người lao động còn bị làm khó đủ đường chỉ vì sổ BHXH.

Một cuộc tranh chấp lao động tập thể vì doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động

Một cuộc tranh chấp lao động tập thể vì doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động

Tháng 8-2014, giám đốc Công ty Bách Hợp đột ngột “biết mất”, ôm theo gần 1 tỉ đồng tiền lương và nợ BHXH khiến gần 100 công nhân (CN) lao đao. Thời điểm đó, ngoài việc bị mất lương, không được hưởng chế độ thất nghiệp vì sổ BHXH chưa được chốt, CN còn gặp không ít khó khăn khi tìm việc làm mới. CN Lê Kim Thoa tâm sự: “Vì không có sổ BHXH nên tôi bị nhiều nơi từ chối nhận vào làm việc. Sau đó, Công ty M.G (quận 6, TP HCM) đồng ý tuyển dụng nhưng chỉ ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời vụ với lý do tôi không có sổ BHXH”.

Thiệt đủ đường

Chị Thoa cho biết với HĐLĐ thời vụ, chị chỉ được hưởng lương, không được tham gia BHXH, không được nhận các khoản phụ cấp chuyên cần, năng suất, thưởng Tết hay phép năm như CN ký HĐLĐ dài hạn. Dù vậy, chị cũng phải chấp nhận chờ đến khi nhận lại sổ BHXH sẽ tính tiếp.

Điều đáng nói là CN Công ty Bách Hợp đã lường trước những thiệt thòi và khó khăn khi không được chốt và trả sổ BHXH nhưng không tránh khỏi. Trước đó, khi biết tin công ty có khả năng ngừng hoạt động, nhiều CN chấp nhận bỏ qua yêu cầu bồi thường mất việc theo luật định, đồng loạt nộp đơn xin thôi việc theo yêu cầu của công ty để được chốt sổ BHXH. Thậm chí, khi giám đốc và các quản lý, nhân viên bộ phận văn phòng dần dần “biến mất”, suốt 1 tháng, CN vẫn đến xưởng đều đặn với hy vọng công ty sẽ giữ lời hứa trả sổ BHXH cho họ. Tuy nhiên, phải đến tháng 11-2014, nhờ sự can thiệp quyết liệt của các cơ quan chức năng, CN mới được trả sổ.

Không “vắng chủ” như Công ty Bách Hợp, Công ty CP Nhựa Trường Thịnh (huyện Củ Chi, TP HCM) vẫn tồn tại nhưng nợ lương, nợ BHXH kéo dài nên phần lớn CN phải tìm công việc mới để kiếm sống. Song, cũng vì sổ BHXH chưa được chốt, CN đã gặp khó khăn đủ điều.

Anh Võ Thanh Sang, một CN, bức xúc: “Gia đình tôi có 3 người lâm vào cảnh thất nghiệp nhưng đến nay, chỉ mình tôi may mắn tìm được việc làm mới. Tuy nhiên, do không có sổ BHXH nên tôi chỉ được ký hợp đồng thời vụ, thiệt thòi đủ đường”.

Chấp nhận đánh đổi quyền lợi để lấy sổ BHXH

Theo quy định của cơ quan BHXH, mỗi người lao động (NLĐ) chỉ được cấp 1 sổ BHXH. Khi chuyển sang đơn vị mới, NLĐ phải nộp sổ đã chốt ở đơn vị cũ để tiếp tục tham gia BHXH. Chính vì vậy mà nhiều NLĐ chấp nhận đánh đổi các quyền lợi khác, chỉ mong sao nhận lại được sổ BHXH.

Anh Phạm Tuấn Cường, nhân viên Công ty K.C (quận Tân Bình, TP HCM), được ký HĐLĐ từ tháng 3-2011 nhưng đến tháng 6-2011, công ty mới tham gia BHXH. Sự việc này anh Cường chỉ biết khi được trả sổ BHXH lúc nghỉ việc. Ngay khi phát hiện, anh Cường yêu cầu phải đóng bổ sung 3 tháng còn thiếu nhưng công ty không chấp nhận với lý do thời gian đó, công ty không trừ BHXH. Không đồng tình với giải thích của công ty nhưng do cần sổ để nộp vào chỗ làm mới, anh Cường đành phải nhận lại sổ BHXH với thời gian tham gia bị “ăn gian” mất 3 tháng.

Đối với chị Dương Thị Huyền (huyện Bình Chánh, TP HCM), dù chấp nhận mất quyền lợi để đổi lấy sổ BHXH nhưng vẫn không đạt kết quả. Khi nghỉ việc vào tháng 6-2012, chị Huyền có hơn 2 năm tham gia BHXH tại Công ty CP Du lịch Đ.V (quận Bình Tân, TP HCM) nhưng không được chốt và trả sổ BHXH. Sau nhiều lần đi đòi, Huyền được giám đốc trả lời “công ty nợ BHXH nhiều quá nên chưa chốt sổ được” khiến chị không thể hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Sau đó, chị Huyền vào làm việc tại Công ty Tân Nguyên Phát (quận Bình Tân) và được cấp sổ BHXH mới. Mới đây, Công ty Tân Nguyên Phát thông báo giải thể và yêu cầu chị Huyền nộp sổ cũ để gộp và chốt sổ BHXH. Chị Huyền trở về Công ty Đ.V lấy sổ BHXH nhưng được trả lời “không tìm thấy”. Quá bức xúc, chị Huyền gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM. Tại đây, chị được trả lời “đã hết thời hiệu khiếu nại”.

“Tôi đã mất cơ hội nhận bảo hiểm thất nghiệp, lần này nếu không nộp sổ BHXH cũ để gộp và chốt sổ thì quyền lợi của tôi lại tiếp tục bị treo. Hơn nữa, sau này dù tôi có tiếp tục tham gia BHXH thì khi nghỉ việc cũng sẽ lâm vào tình trạng như bây giờ. Tại sao tôi thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, lương của tôi bị trừ để đóng BHXH không thiếu tháng nào mà bây giờ phải chịu thiệt thòi thế này?” - chị Huyền than thở.

Nên khoanh nợ BHXH để “cởi trói” cho người lao động

Cơ quan BHXH Việt Nam từng có nhiều văn bản hướng dẫn giải quyết các vướng mắc xung quanh việc doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm để chốt sổ và bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Tinh thần của các văn bản này vẫn chú trọng vào trách nhiệm khắc phục hậu quả của DN và mong muốn DN phải nỗ lực hết sức để lo cho NLĐ. Song, một khi DN cố tình không thực hiện hoặc chưa khắc phục được thì NLĐ vẫn chịu thiệt thòi.

“BHXH Việt Nam nên cho phép khoanh nợ BHXH và chốt sổ cho NLĐ theo nguyên tắc đóng đến đâu, chốt sổ đến đó. Sau này, khi DN khắc phục nợ đọng thì sẽ bổ sung khoản BHXH ấy vào sổ cho NLĐ. Như thế mới có thể giảm bớt thiệt thòi và bảo đảm quyền thụ hưởng cho NLĐ” - một cán bộ BHXH TP HCM đề xuất.


Theo Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm