1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Khiếu nại doanh nghiệp không đóng BHXH, BHTN ra sao?

(Dân trí) - Trong quá trình làm việc, doanh nghiệp vẫn trừ vào khoản lương của người lao động nhưng không đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Nếu người lao động thất nghiệp và không được hưởng chế độ thì có thể khiếu nại doanh nghiệp ra sao? (Người hỏi: Ông Nguyễn Xuân Tuấn ở Hưng Yên).

Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) trả lời:

Theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 29 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 4, Khoản 5 Điều 32 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đóng bảo hiểm thất nghiệp đúng, đủ và kịp thời theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày người lao động yêu cầu; cung cấp bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc xác nhận về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc cho người lao động chậm nhất 2 ngày làm việc kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 35; Khoản 15 Điều 36 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, tổ chức bảo hiểm xã hội có quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 6 Điều 37 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có quyền theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo hiểm thất nghiệp, ông Nguyễn Xuân Tuấn có quyền khiếu nại, tố cáo doanh nghiệp đó với Sở LĐ-TB&XH, cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đặt trụ sở của doanh nghiệp để giải quyết. Trình tự, thủ tục khiếu nại tố cáo theo quy định tại Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn.

V.L