Khi YouTuber Việt chia sẻ bí quyết "làm dâu trăm họ"
(Dân trí) - Nếu thường xuyên ra sản phẩm mới, có lượng người xem đều đặn và nội dung chất lượng, mỗi tháng chị Hoàng Ngọc Huyền (Hà Nội) sẽ nhận được khoảng 10 - 15 triệu đồng từ YouTube.
Bí quyết của YouTuber
Vốn có năng khiếu ca hát lại đệm được guitar, chị Hoàng Ngọc Huyền (SN 1998, trú tại Hà Nội) đã lập một kênh YouTube chuyên đăng các bản thu âm, sản phẩm âm nhạc từ năm 2011.
"Tôi thường chọn những bài hát phù hợp với xu hướng của giới trẻ và biến tấu mới mẻ rồi thu âm lại. Nhờ vậy, năm 2018, lần đầu tiên tôi có sản phẩm đạt hơn 10 triệu lượt xem, đó là video cover ca khúc Way Back Home", chị chia sẻ.
Không chỉ dành thời gian luyện hát và tập đàn, chị còn tự học thu âm, quay dựng video sao cho sản phẩm chỉn chu nhất có thể khi đến với công chúng.
Với mỗi sản phẩm, nữ YouTuber phải quay ít nhất 10 lần, mỗi lần mắc lỗi là một lần bấm máy quay lại, chưa kể thời gian dựng sẽ khoảng 2-3 tiếng hoặc lâu hơn.
Theo chị Hoàng Ngọc Huyền, bí quyết của nghề chính là sự nghiêm túc sự khi đầu tư về chất và lượng cho sản phẩm. Bởi đó chính là điều để người xem nhớ và quan tâm tới kênh của mình.
"Cũng có lần tôi quay xong nhưng lại lỡ ấn nhầm nút xóa trên máy. Sau sự cố đó, khi dựng bài tôi luôn lưu trữ dữ liệu trong nhiều ổ cứng để có phương án dự phòng", chị cho biết.
Thường xuyên ra sản phẩm mới, có lượng người xem đều đặn, nội dung chất lượng, mỗi tháng chị Hoàng Ngọc Huyền sẽ nhận được khoảng 10-15 triệu đồng từ YouTube.
Bén duyên với YouTube được hơn 4 tháng, chị Nguyễn Thị Khánh Linh (SN 1999, quê Hải Phòng) nhận định công việc này giúp chị có thu nhập ổn định, đủ để chi tiêu, mua sắm thoải mái.
"Tôi hướng đến đối tượng giới trẻ nên nội dung kênh cũng khá đa dạng từ review sản phẩm, các địa điểm ăn uống, thực hiện thử thách đến hướng dẫn nấu ăn. Dù mới lập kênh nhưng tôi cảm thấy may mắn vì đã đạt hơn 400.000 lượt theo dõi và được bật nút kiếm tiền sau gần 2 tháng hoạt động", chị Nguyễn Thị Khánh Linh chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Khánh Linh, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể trở thành một YouTuber. Nhưng để tạo ra những video "triệu view" phải nhanh nhạy nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu của khán giả.
Tránh trùng lặp nội dung với các kênh khác, chị Nguyễn Thị Khánh Linh liên tục sáng tạo những nội dung mới mẻ, tạo điểm nhấn và nét riêng nhằm thu hút người xem.
Tuy nhiên, cũng nhiều lần chị hụt hẫng khi đọc những bình luận tiêu cực từ khán giả như: "Ăn thùng uống vại sao lấy được chồng", "Ai nuôi được đứa như thế này", "Cái giọng gì ghê thế"…
Không bất chấp kiếm tiền
Bày tỏ quan điểm về nghề, chị Nguyễn Thị Khánh Linh nhận định YouTuber là công việc "làm dâu trăm họ". Để theo nghề lâu dài, YouTuber cần sáng tạo những video giải trí tích cực thay vì "câu like", "câu view". Những bình luận mang tính xây dựng, chị thường lưu lại để cải thiện kênh ngày một tốt hơn.
Các video trên kênh của chị, trước khi đăng tải luôn được kiểm duyệt nội dung cẩn thận vì nếu nội dung sai lệch khiến sẽ khiến người xem hiểu lầm, mất niềm tin vào kênh.
"Khi giới thiệu về một sản phẩm hay quán ăn nào đó, tôi đều dành thời gian dùng và ăn thử trước để có thể đánh giá chuẩn chỉnh nhất. Nếu đưa ra quan điểm cá nhân mà sai kiến thức, "ăn không nói có" thì chẳng khác gì tôi đang tự đào thải khỏi nghề", chị Nguyễn Thị Khánh Linh tâm sự.
Theo chị Hoàng Ngọc Huyền, thời gian trước khi một ca khúc mới phát hành, nếu là người quay và đăng bản cover đầu tiên sẽ có nhiều lợi thế về lượt xem, tiếp cận.
Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ ngày càng siết chặt, YouTuber phải xin phép người sáng tác trước khi thu âm ca khúc.
Bên cạnh những YouTuber khai thác những vấn đề tích cực của cuộc sống, mang đến các sản phẩm chất lượng thì hiện nay còn không ít kênh YouTube nhảm nhí, độc hại, phản cảm nhưng lại có lượt truy cập rất lớn.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều Youtuber không từ thủ đoạn để nổi tiếng, kiếm tiền từ quảng cáo trên kênh và thực hiện những thử thách, trào lưu vô bổ như: "Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết", "Lừa chôn em gái, em trai rồi thắp nhang, cúng chuối và vàng mã", "Đổ nước mắm, tạt trứng lên đầu mẹ", "Dùng búp bê kumanthong xin vía học giỏi"…
Việc các video như vậy tồn tại trong thời gian dài làm dấy lên quan ngại khi phần đông lượt theo dõi, lượt xem trên kênh đến từ thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em.
Chia sẻ về vấn đề trên ThS. Đinh Hồng Anh (giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định nghề YouTuber hiện nay không còn xa lạ với giới trẻ Việt cho đến hiện tại vẫn được nhiều người quan tâm, theo đuổi.
Theo ThS. Đinh Hồng Anh, có rất nhiều người thoạt đầu chỉ đăng tải video cho vui hoặc để chia sẻ một nội dung nào đó có ích tới cộng đồng mà không hề nghĩ tới việc thương mại chúng.
Dần dần, các video đó trở nên thu hút người xem khiến họ được chào đón bởi các công ty quảng cáo. Hay nói cách khác, họ nhận ra đây là một nơi có thể kiếm tiền.
"YouTuber dễ nổi tiếng nhưng cũng rất dễ có điều tiếng trong môi trường mạng xã hội mở. Chính vì vậy, những người làm YouTube, đặc biệt là các bạn trẻ cần xây dựng sự uy tín để hoạt động lâu dài, không vì sự nổi tiếng và kiếm tiền bất chấp bằng cách đăng những nội dung phản cảm, trái với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam", ThS. Đinh Hồng Anh nhắn nhủ.
YouTuber là nghề người sáng tạo nội dung, thu hút đông đảo người tham gia, từ nghệ sĩ, giới trẻ, dân văn phòng, trẻ em, lão nông… Họ sản xuất video trên xoay quanh nhiều chủ đề khác nhau về cuộc sống thường ngày, âm nhạc, ẩm thực, du lịch… Nếu đạt được những yêu cầu mà YouTube đưa ra, kênh của họ sẽ được bật tính năng kiếm tiền và được chào đón bởi các công ty quảng cáo.