Khi sếp cũng facebook

Có sếp đôi lúc cũng sa vào Facebook một cách rất… dễ thương. Sếp chơi Farm - trong khi nhân viên chơi Pet. Sếp trồng cây xây vườn, nông trang hơi bị oách.

 

 

Sao phải vào Facebook?

 

Bắt đầu từ 360 khai tử, dân tình ta không biết đi đâu về đâu, bơ vơ như bị bồ đá. Thế rồi người ta bắt đầu làm quen với Facebook - mạng xã hội được lập và sử dụng miễn phí do công ty Facebook với Tổng giám đốc: Mark Zuckerberg - tỷ phú trẻ sinh năm 1984 sáng lập.

 

Trước kia cái anh Facebook suốt ngày đi xin add nick qua email để mọi người đăng nhập vào mạng xã hội của mình mà có mấy ai để ý làm gì cơ chứ, người ta còn đang say đắm với người tình 360 blog. Nhưng rồi bị yahoo ruồng rẫy 360, thế là lại tan tác mỗi người một nơi, mỗi người tự chọn cho mình một mạng.

 

Thế là từ đó, một người, hai người, ba chục người, ba trăm người, năm ngàn... rồi hàng triệu người vào Facebook. Cơ mà dường như cái mạng nào muốn nổi đình nổi đám thì cũng cần phải biết đến tài năng của những người như chúng ta, đi đến đâu ầm ĩ lên tới đó.

 

Nó có là miếng mồi ngon, mảnh đất màu mỡ để cái anh bạn tỷ phú trẻ kia ngày càng tăng thêm gia sản của mình hay không ta chẳng biết nhiều. Nhưng cái ta cần, đó là nơi để “xả” và thỏa mãn cơn tò mò cũng như “nổ” cái gì mình thích... “nổ”. Cái nhu cầu cần bạn cần bè, cần nơi đông người, nhớn đến nỗi chúng ta “add” nhau, để xem bạn mình hôm nay làm gì, có cái gì. Dạo này mấy ai gặp nhau ngoài đời thực đâu.

 

Trăm sự qua net. Anh A, chị B hôm nay sì-trét, hay ăn chơi tung trời ở đâu, vui - buồn - mưa - gió - hận - thù - căm - ghét yêu thích khoe khoang gì... tất cả những cái đó, bạn Facebook giải quyết nhanh gọn hơn cả 360blog.

 

Hơn nữa, nó lại cực kỳ hiện đại ở chỗ, nó không phải là nơi để người ta có thể ăn nói dông dài, kể lể nọ kia, khóc than rên rỉ, phẫn nộ, ỉ ôi, bởi cái note (ghi chú) hầu như không có chức năng như một entry, không được hỗ trợ để trang điểm như một trang lưu bút, hay một bài báo có thiết kế.

 

Facebook cũng là nơi để các công ty, doanh nghiệp, cá nhân... đua nhau lập “fan” cho mình, hoặc thông báo sự kiện “trọng đại” sắp diễn ra. Quá tốt cho một mạng xã hội public!

 

Sếp từ từ bước vào... đời

 

Bước vào Facebook là được hỏi han săn sóc, được “soi” ngay: “What's on your mind?” nghĩa là:

 

“Bạn đang nghĩ gì?” Đấy, thế giới ảo quan tâm đến nhau thế đấy, muốn chui vào tận trong trí óc ta. Hỏi thì trả nhời, có người gắt lại: “Hỏi lắm thế? Tư cách gì mà hỏi”.

 

Và một ngày kia, cư dân Facebook, đa phần là dân công sở, những người đa phần ôm máy tính suốt 8 tiếng vàng ngọc đang quiz (trắc nghiệm) nào là “Khi nào bạn chết?”, “Tên kiếp trước của bạn là gì”, “Bạn trông giống Celeb nào?”, “Có muốn hỏi thầy bói hem?” một cách miệt mài bỗng bàng hoàng nhận ra, hôm nay, mình được sếp add nick.

 

Thế là đời lại lăn tăn đôi chút. Quả này không “ok”, không được rồi. Sếp tự “add” ta mà. Không “ok” thì toi mạng rồi. Nhưng mà, thế có nghĩa là đời giã biệt những câu rên rỉ, sẽ phải giữ ý giữ tứ, sẽ phải nghiêm chỉnh nghiêm túc, in ít sến thôi. Chứ ai lại chốc nhát vào chảy nước ra trên Facebook, sếp đọc được lại “suy nghĩ”. Rồi thi thoảng ta bực tức, không bằng lòng cái gì, mọi khi ném trên Blast, giờ thì thôi đành: Em không suy nghĩ gì, phải không em ơi!

 

Còn trường hợp, ta đi “add” nick sếp. Điều gì xảy ra nhỉ? Ô nàng/chàng nhân viên nỗ lực của ta, trên Facebook, nhân viên của ta thật là yêu quý công ty, toàn quảng cáo, khen ngợi, ngợi ca công ty, thậm chí ngợi ca chính ta, những ông chủ của họ. Họ toàn là những nhân viên tích cực, biết sử dụng Facebook vào mục đích chung của công ty. Thật tuyệt vời. Tốt quá. Cảm ơn những người toàn tâm toàn ý vào việc chung!

 

Điều gì xảy ra?

 

Có sếp đôi lúc sa vào Facebook một cách rất... dễ thương. Sếp chơi Farm - trong khi nhân viên chơi Pet. Sếp trồng cây xây vườn, nông trang hơi bị oách. Thoắt cái thấy mới gia nhập, thoắt cái đã thấy trồng cây trồng củ, nào cà rốt, bắp cải cà chua... rồi lại đi gặt hái thu hoạch như nông dân thực sự. Xong sếp cũng đi bán rau cơ đấy.

 

Sếp còn tranh thủ buổi đêm đang làm việc ngó vào Facebook, trông coi cai quản kẻo đứa khác vào thuổng mất, nhân viên ban đêm cũng đang làm việc, cũng chui vào Facebook, thấy nick sếp mình sáng choang, lại thấy trên Notification “thông báo” hiện lên mấy giờ sếp làm gì, comment cho ai, post lên cái gì...

 

Chà, tự nhiên nhân viên ngồi nghĩ, sếp tài giỏi thật. Đúng là ở ngoài có chức năng lãnh đạo bao quát tình hình, chiến lược chiến sự vào loại oách, oánh quả nào, không thắng nhiều thì thắng ít, mưu lược đảm đang, lại nhẹ nhàng xởi lởi hiền hậu nhân từ cho nên chơi cái gì trên Facebook cũng... thắng.

 

Một hôm nhân viên thấy trên “tường” nhà sếp có ghi dòng chữ “Stress”, nhân viên băn khoăn quá, ngẫm nghĩ và cảm thấy thương sếp vô bờ. Nhân viên chỉ lo công lo việc be bé, trong phạm vi tiền lương và trách nhiệm nho nhỏ của mình, còn sếp thì sao? Nghĩ mà cảm thấy đồng cảm vô cùng, tự hỏi có nên comment lại hay không?

 

Nhân viên đánh liều comment một câu: “Me too” (Nhà em cũng thế!)... Lại thấy bảng thông báo: “X đang viết lên tường nhà sếp M”, thấy mấy người vô an ủi sếp. Vài tiếng sau, số phận của sếp được nhân viên theo dõi chặt chẽ đến mức sếp trả lời gì, nhân viên biết ngay tức khắc: “Là nhiều việc quá thôi, việc ngập đến mũi rồi”.

 

Vài hôm sau, sếp ra quy chế trên Facebook, khuyên mọi người nên cẩn trọng trong các thông tin, cho dù hôm nay nó là vui vẻ, nhưng ngày sau, chả biết nó thế nào. Bây giờ nó là vô tư hơi có tính chất “show” một chút, nhưng trong list kia, có cả bạn lẫn thù, cả đối tác lẫn địch thủ, tóm lại đời chả biết thế nào mà lần, thế nên cẩn trọng vẫn hơn.

 

Nhà Trắng thường xuyên sử dụng FB, Twitter và các mạng xã hội khác như một kênh liên lạc trực tiếp với công chúng Mỹ. Ấy nhưng Tổng thống Obama lại khuyên thanh niên, chớ có dại gì mà tung hết những bí mật riêng tư cá nhân lên mạng, sẽ bất lợi về sau này.

 

Còn cô Lindsay - một nữ nhân viên văn phòng chót quên béng trong friendlist của mình còn hiện diện nick của sếp. Cô nàng tồ tồ đi than thở về sếp và công việc của mình. Than ôi, thời oanh nhiệt nay còn đâu, cô nàng được mời không phải đi làm nữa, ở nhà, tha hồ tự do than thở. Câu chuyện mất việc trên Facebook lan truyền khắp nơi, và không ít nơi đã làm trắc nghiệm “Có nên add sếp trên Facebook không?”.

 

Người ta bỗng trở nên khó xử và cẩn thận hơn với chính mình. Sự tự do tuy được tôn trọng nhưng cũng không còn nữa. Tuy sếp chả mấy khi có thời gian vào Facebook nhưng chắc ít nhất một lần một ngày. Và có nói năng làm gì đi nữa, thời gian được lưu lại, lù lù ra đấy. Ô thế nhân viên của ta không chịu làm việc mà lại cứ lên đây than thở, lại còn comment vớ va vớ vẩn thế này.

 

Từ ấy đến giờ, mà không, thực sự là từ lúc sếp có Facebook, từ lúc sếp add nhân viên, nhân viên add sếp, hai bên hay gọi một cách ngoại giao là song phương đã hiểu nhau hơn phần nào, nhưng cũng ghìm kìm nhau phần nào. Nhân viên chả được thành thật tấm lòng, ăn chả lên đọi, nói chả dám lên lời, nên cũng chán và đỡ phần nào vào Facebook.

 

Sếp ngại nhân viên soi lung tung - dù sao ta cũng là bộ mặt của công ty, nên cũng hoạt động ngầm, ít post gì quan trọng, cả hai đều tuyền tung những cái lảm nhảm nhảm nhí chả ảnh hưởng gì đến ai cho nó đỡ mệt.

 

Có sếp trong Facebook rồi, cẩn thận nghen nhân viên! Có nhân viên đang theo dõi mình, cẩn thận nghen sếp! Thôi thế là Facebook cứ thế mà trôi đi, kệ những kẻ tung người hứng, những kẻ tự đánh bóng mình, những tiếng than thở những tấm hình chụp nhiều như ruồi và những mối quan tâm khác lạ...

 

* Facebook là tổng hợp của một chuỗi các cộng đồng vi mô đã được thâm nhập sâu, nếu tận dụng được lợi điểm này trên các phương thức Marketing, PR hay Sale, bạn sẽ “ghi điểm” với sếp nhờ kiếm được khối lượng khách hàng và đối tác vô giá.

 

* Cẩn trọng với những bí mật đời tư không muốn công bố, tính lan truyền trên FB còn mạnh hơn gấp nhiều lần so với “người cũ” 360 Blog của Yahoo!

 

* Chớ dại mà nói xấu ai đó nhất là về nhất là sếp hay đồng nghiệp của bạn hoặc các vấn đề nhạy cảm - bởi tính liên kết tưởng chừng rất tiện dụng của FB đồng thời cũng là con dao 2 lưỡi.

 

* Cẩn thận trước những dịch vụ public nếu công ty bạn có quy định khống chế dùng mạng xã hội này trong giờ làm việc và sếp bạn cũng sở hữu một account tại đây. Bởi chỉ nửa giây bạn sẽ bị phát hiện với "tang chứng" đầy đủ.

 

* Nếu bạn tham gia chơi những trò game trên FB, hãy cố đừng nhầm doanh thu của công ty thành số tiền vừa kiếm được từ... trồng cây, bán quả trên FB.

 

* Cuối cùng, theo báo cáo mới nhất của một chuyên gia tâm lý, việc thường xuyên sử dụng và cập nhật thông tin trên mạng xã hội Facebook sẽ tăng cường đáng kể trí thông minh của người sử dụng nhờ quá trình tiếp nhận và tự phải xử lý thông tin.

 

 

Theo Đẹp