Khi lương công nhân quá eo hẹp

Đời sống vật chất của gần 1,6 triệu công nhân, lao động trong 260 khu công nghiệp, 15 khu kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, đồng lương eo hẹp không đủ chi trả cho những chi tiêu tối thiểu.

Khi lương công nhân quá eo hẹp     - 1
Mức thu nhập của công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đạt bình quân 2 triệu đồng/tháng.
 
Đó là thông tin được đưa ra tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố tại hội thảo về vấn đề lao động và điều kiện sống, làm việc của công nhân trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

 

Theo báo cáo này, mức thu nhập của công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đạt bình quân 2 triệu đồng/tháng, bao gồm cả các khoản phụ cấp như tiền xăng xe, chuyên cần, nhà trọ, làm thêm giờ...

 

Trong khi đó, với mức độ lạm phát, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh, nhất là tại các khu đô thị tập trung đông người, cuộc sống của công nhân lao động không những không được cải thiện mà đang có chiều hướng giảm xuống. Tiết kiệm chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao dẫn đến việc họ phải chấp nhận những điều kiện sống thấp kém hơn. Đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng và nhà ở.

 

Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện công nhân – công đoàn ( thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) phân tích, phần lớn công nhân tại các khu công nghiệp là lao động nhập cư. Với nhóm đối tượng này, cơ cấu chi tiêu của họ đã phải dành một khoản chi phí khá lớn cho nhà trọ, lưu trú.

 

Chị Lý Thị Huệ, công nhân làm việc tại Công ty Yamaha Việt Nam, đóng tại Khu công nghiệp Thăng Long cho biết, tổng thu nhập của chị là 3 triệu đồng/tháng không đủ trang trải cho tiền ăn và tiền thuê nhà.

 

Giá cả tăng cao khiến cho việc chi tiêu của chị Huệ và những công nhân ở đây vô cùng khó khăn. Ngoài việc chi trả mua lương thực, thực phẩm và các hàng hóa trong điều kiện tăng giá như mọi người dân bình thường khác ở đô thị, chị Huệ và những lao động nhập cư còn phải chi phí thêm các khoản như thuê nhà đã tăng khoảng 20 đến 30%, trả tiền điện, nước với giá cao hơn 2 đến 4 lần so với người dân địa phương.

 

Còn chị Nguyễn Thị Thủy làm tại dây chuyên sản xuất linh kiện điện tử, dây cáp của Công ty Nissei của Nhật Bản thì cho rằng, nếu như trước đây, doanh nghiệp nào phải bố trí công nhân làm thêm giờ sẽ rất khó thu hút lao động vì công nhân sợ vất vả, không đủ sức làm thêm thì hiện đang có xu hướng ngược lại. Công nhân sẽ sẵn sàng “nhảy việc” sang các doanh nghiệp có việc làm thêm để tăng thêm thu nhập nếu doanh nghiệp họ đang làm không có việc làm ngoài giờ.

 

"Với công nhân khu công nghiệp, có lẽ cách duy nhất để “chống chọi” với “bão giá”hiện nay là làm thêm giờ", chị Thủy nói.

 

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, hiện có tới 48,2% lao động có mức thu nhập thấp nên phần lớn phải làm thêm giờ hoặc chấp nhận sống thiếu thốn. Tuy nhiên, 30,7% số công nhân cho rằng tiền công, phụ cấp doanh nghiệp trả cho họ chưa được thỏa đáng so với công sức bỏ ra. Số tiền công mà họ nhận được đang không đủ để trang trải cho những chi tiêu tối thiểu.

 

Theo Vũ Quỳnh

VnEconomy