Khi lao động trẻ thiếu định hướng tìm việc

(Dân trí) - Bên cạnh nguyên nhân từ phía nhà tuyển dụng và yêu cầu công việc, chất lượng của nhiều cuộc tuyển dụng chưa cao có thể còn từ ứng viên. Ghi nhận của PV Dân trí tại Phiên GDVL cho thanh niên mới vừa được tổ chức cuối tháng 3 tại Hà Nội cho thấy điều này.

Tỉ lệ lao động trẻ tới các Phiên GDVL khá đông
Tỉ lệ lao động trẻ tới các Phiên GDVL khá đông

“Nguồn việc ngành bán lẻ có sức hút lớn đối với nhiều nhân lực trẻ tuổi, nhưng tới 60-70% bạn trẻ chỉ coi lĩnh vực này là một việc “qua đường”. Qua tuyển dụng, nhiều bạn trẻ vẫn mắc sai lầm về nhận thức nghề nghiệp, thiếu tính tính kỷ luật và sự kiên trì”.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Trọng Hưng, Phó phòng Nhân sự Cty CP Media mart VN (Hà Nội), khi đánh giá về chất lượng ứng viên trong Phiên GDVL cho thanh niên nhân dịp tháng Thanh niên do Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) tổ chức.

Mong muốn có được nhiều hồ sơ dự tuyển đáp ứng nhu cầu tuyển 70 chỉ tiêu, nhưng ông Nguyễn Trọng Hưng chỉ phỏng vấn được số lượng ứng viên khiêm tốn. Có nhiều lý do, từ phía nhà tuyển dụng đó là việc nhiều bạn trẻ chưa thực sự nhìn nhận công việc này là nghiêm túc.

“Nhiều bạn trẻ không xác định rõ định hướng tìm việc. Họ nghĩ rằng công việc tại siêu thị chỉ là nhất thời, có tính tạm bợ cho một việc làm nào đó nay mai. Trong khi đó, lĩnh vực bán lẻ hiện đang rất nóng và một lộ trình nghề nghiệp ổn định từ nhân viên bán hàng, trưởng nhóm, phụ trách ngành hàng…”- ông Nguyễn Trọng Hưng chia sẻ.

Những sai lầm trong dự tuyển của bạn trẻ được vị đại diện tuyển dụng chỉ ra như: Cầu toàn công việc lương cao và ít vất vả, không xác định rõ mục tiêu làm việc, tâm lý không ổn định. “Những sai lầm này không chỉ làm nhà tuyển dụng mất thời gian mà còn khiến bạn trẻ sẽ khó tìm ra hướng đi của mình” - ông Nguyễn Trọng Hưng bổ sung.

Ứng viên cần xác định rõ mục tiêu khi dự tuyển
Ứng viên cần xác định rõ mục tiêu khi dự tuyển

Không chỉ ở nhóm ngành dịch vụ, nhu cầu tuyển thợ trẻ và lao động phục vụ sản xuất cũng nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Mạnh Kiên - Phó Phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Cao su Hà Nội - cho rằng câu chuyện của bài toán năng suất lao động đã được thể hiện rõ qua tuyển dụng.

“Tâm lý kén chọn công việc không dựa trên thực tế khiến lao động phổ thông khó có cơ hội tìm việc làm bền vững. Cùng một công việc với mức khởi điểm 5 triệu đồng/tháng, nhưng nếu có nơi khác trả lương cao hơn chút ít, họ có thể bỏ việc chuyển sang. Do đó, việc tạo ra giá trị sản phẩm và hiệu quả công việc cứ ở mức khiêm tốn” - ông Nguyễn Mạnh Kiên nói.

Với thực tế đó, việc tuyển dụng gần 100 lao động phổ thông của ông Kiên khó thực hiện được tại Phiên GDVL này.

Bài toán đãi ngộ được nhiều doanh nghiệp tính theo cơ chế lương cứng cộng thêm giá trị và số lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Mạnh Kiên giải thích: “Về nguyên tắc, năng suất lao động cao thì lao động sẽ có lương cao. Nhưng nếu lao động trẻ vao việc với tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, muốn lương cao ngay nhưng thiếu sự đóng góp thì sẽ khó đạt được năng suất cao. Hậu quả là mức lương sẽ khó đột biến”.

Cơ hội việc làm dành cho lao động trẻ nhiều, nhưng nhiều việc làm đòi hỏi những kỹ năng làm việc, sự tập trung, phụ thuộc vào đặc thù công việc. Không hẳn lao động trẻ nào cũng phù hợp với tính chất công việc của doanh nghiệp, dù mức lương và các chế độ đãi ngộ có hấp dẫn.

Với yêu cầu tuyển dụng 10 nhân viên kiểm hàng có trình độ chỉ từ mức Trung cấp nhưng bà Nguyễn Thị Hoa - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Đức Tấn Sài Gòn (Hà Nội) cũng thấy khó thực hiện được. Mặc dù lương khởi điểm Công ty đưa ra là 6 triệu đồng/tháng và các chế độ phụ cấp khác

“Sản phẩm của chúng tôi phục vụ ngành dược nên đòi hỏi nhân sự làm việc có sự tỉ mỉ, cẩn thận và trách nhiệm cao” - bà Nguyễn Thị Hóa nói. Bởi vậy, nhiều lao động dù có nhiệt tình nhưng không đáp ứng được yêu cầu nên đành chờ cơ hội khác.

Phan Minh