1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc: Giữ 15% lương !

(Dân trí) - Hàn Quốc sẽ giữ lại 15% tổng số tiền lao động gửi về Việt Nam tại ngân hàng, khi trở về nước đúng thời hạn quy định sẽ được hoàn trả cả gốc và lãi. Ngoài ra khoản tiền hỗ trợ 1 tháng chỉ được trả khi lao động đã có mặt tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc vừa diễn ra tại Hải Dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm công tác đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây đã diễn ra tình trạng nhiều người lao động đã tìm cách làm việc bất hợp pháp (sau khi kết thúc hợp đồng lao động ) tại Hàn Quốc, gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương và ảnh hưởng xấu đến uy tín chung của người lao động Việt Nam.
 
Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực lao động – xã hội trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích chính đáng của người lao động, tuân thủ quy định pháp luật của mỗi nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh yêu cầu 12 địa phương từ Nghệ An trở ra phía Bắc cần thống nhất biện pháp quản lý đối với những lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp.
 
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Hà Nội, Nghệ An và Hải Dương là 3 địa phương có nhiều người lao động không trở về nước nhiều nhất cả nước (mỗi địa phương đều trên 300 người). Mục tiêu đến cuối 2013, phải khắc phục cơ bản tình trạng lao động của các địa phương không trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng.

Một trong những biện pháp được Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu đó là xem xét việc giữ lại một phần tiền gửi về nước của người lao động. Theo đó, cơ quan quản lý lao động tại Hàn Quốc sẽ giữ lại 15% tổng số tiền mà lao động gửi về Việt Nam tại ngân hàng, khi trở về nước đúng thời hạn quy định sẽ được hoàn trả cả gốc và lãi. Ngoài ra khoản tiền hỗ trợ 1 tháng tiền lương mà doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ sau khi hết hợp đồng chỉ được chi trả khi lao động Việt Nam đã có mặt tại Việt Nam.

Lao động hoàn thiện hồ sơ trước khi xuất cảnh sang Hàn Quốc.
Lao động hoàn thiện hồ sơ trước khi xuất cảnh sang Hàn Quốc.

Trong những năm qua, việc cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những kết quả tích cực. So với 14 quốc gia khác đang có người lao động tại Hàn Quốc, lao động Việt Nam luôn dẫn đầu về tỷ lệ được các doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lâu dài.

Lao động người Việt Nam được các doanh nghiệp Hàn Quốc ưa thích bởi tính cần cù, chịu khó, sáng tạo và nhanh chóng hòa nhập với môi trường sinh hoạt và làm việc. Theo thống kê, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc chủ yếu làm việc trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo (78,3%), số còn lại làm việc trong lĩnh vực xây dựng (9,3%), nông nghiệp (10,5%), ngư nghiệp (1,7%) và dịch vụ (0,2%).

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đang nổi cộm tình trạng nhiều người hết hạn lao động, đã trốn ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tình trạng trên đã gây ảnh hưởng xấu đến những chính sách lao động các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của hai quốc gia đã thỏa thuận, ký kết. Ngoài ra, tình trạng người lao động Việt Nam hay yêu cầu chuyển đổi nơi làm việc với những lý do không chính đáng, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý của Hàn Quốc, phương hại đến quyền lợi lao động chính đáng của hàng nghìn người lao động trong nước có nhu cầu đến làm việc tại Hàn Quốc.

Trước những vấn đề đó, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích người lao động về nước đúng hạn, trong đó có chính sách cho phép người lao động được gia hạn lần đầu ngay tại Hàn Quốc với thời gian gia hạn là 1 năm 10 tháng. Tổ chức những lao động về nước đúng hạn (sau khi kết thúc hợp đồng 3 năm và thời gian gia hạn 1 năm 10 tháng), được quay trở lại Hàn Quốc làm việc nếu đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra tiếng Hàn tổ chức 3 tháng/lần.

Đặc biệt, nếu lao động không đổi nơi làm việc và trở về nước đúng thời hạn hợp đồng thì sau 3 tháng xuất cảnh lại được phép tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc ở công ty cũ mà không phải dự kiểm tra tiếng Hàn. Rất nhiều lao động Việt Nam vẫn chưa biết tới chính sách mới này của Hàn Quốc.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nêu một số giải pháp để giải quyết tình trạng trên như: thỏa thuận, ký kết với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong công tác thông tin, tuyên truyền và vận động về chương trình đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Cùng đó, ngành lao động sẽ tập trung truyền thông làm cho người lao động nắm được đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là các chính sách mới ưu đãi đối với người lao động chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, tạo động lực cho người lao động trở về nước đúng quy định…

Hiện Việt Nam có khoảng 75 nghìn lao động (bao gồm cả số lao động đã hết hạn hợp đồng nhưng còn ở lại làm việc) đang làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó, số lao động đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động ngoài nước của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS) khoảng 63 nghìn người, 2.700 người đi làm thuyền viên trên các tàu đánh bắt cá Hàn Quốc, số lao động kỹ thuật cao khoảng 600 người và có khoảng 3.000 lao động sang Hàn Quốc đi theo hợp đồng thực tập nâng cao tay nghề của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và lao động đi theo hợp đồng cá nhân. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, gần 6.500 lao động Việt Nam được đưa sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc có mức thu nhập khá cao, bình quân từ 900 – 1.200 USD/tháng, hàng năm các lao động chuyển về nước cho gia đình trên 600 triệu USD.

  

 Phạm Thanh