Kết thúc chiến dịch sơ tán lao động Việt tại Libya bằng chuyên cơ

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 11/8, chiến dịch sơ tán lao động Việt Nam tại Libya về nước bằng chuyên cơ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) theo hợp đồng với nhà thầu Hàn Quốc Huyndai E&C đã kết thúc sau ba ngày triển khai.

Những lao động Việt Nam từ Libya về nước ra cửa Sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Những lao động Việt Nam từ Libya về nước ra cửa Sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Chuyến bay cuối cùng của Vietnam Airlines xuất phát từ sân bay quốc tế Cairo đã cất cánh vào lúc 23 giờ ngày 11/8 mang theo 180 lao động và dự kiến sẽ về tới sân bay Nội Bài vào hồi 13 giờ ngày 12/8.

Trước đó, số lao động này đã được chuyển đến Cairo cùng ngày trên hai chuyến bay thuê riêng của Hãng hàng không quốc gia Libya (Libyan Airlines).

Theo ông Đỗ Xuân Chiến, Phó Giám đốc công ty Vinamex, đến hết ngày 11/8, đã có tổng cộng 458 lao động Việt Nam được sơ tán khỏi Libya qua ngả Cairo trên năm chuyến bay thuê riêng của Libyan Airlines.

Dự kiến, 224 người còn lại trong tổng số 682 lao động của công ty làm việc tại Libya theo hợp đồng ký kết với Huyndai E&C sẽ được vận chuyển bằng đường không đến Cairo trong ngày 12/8 trước khi trở về nhà trên các chuyến bay thương mại.

Ông Đỗ Xuân Chiến cho biết tất cả 682 lao động nói trên đều trong tình trạng sức khỏe tốt.

Đại diện của Huyndai E&C đang có mặt tại Libya và Ai Cập để giải quyết các vướng mắc phát sinh và tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các lao động. Đoàn công tác của Vinamex được cử sang Cairo sẽ chỉ rút về nước sau khi nhóm lao động cuối cùng rời khỏi Libya và trở về nhà an toàn.

Trong diễn biến liên quan, ông Trần Tam Anh, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, cho biết vào ngày 16/8 tới, nhóm lao động thứ hai gồm 33 người dự kiến sẽ được sơ tán bằng đường bộ qua cửa khẩu Salloum trên biên giới giữa Libya và Ai Cập.

Đại sứ quán đang hoàn tất các thủ tục và tác động qua các kênh chính thức của Ai Cập để xin phép đặc cách nhập cảnh cho số lao động này và đưa họ tới Cairo, về nước bằng đường không.

Trước đó, ngày 4/8, một nhóm 25 lao động Việt Nam tại Libya sơ tán sang Ai Cập bằng đường bộ đã bị mắc kẹt bốn ngày tại vùng đệm của cửa khẩu nói trên do phía Ai Cập chỉ chấp nhận xuất nhập cảnh một chiều đối với các công dân nước này và Libya.

Đại sứ quán Việt Nam đã phải tác động qua nhiều kênh cấp cao, trong đó có Phủ Tổng thống, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và lực lượng hải quan cửa khẩu của Ai Cập để xin phép nhập cảnh cho số lao động này./.
Theo Vietnamplus.vn
http://www.vietnamplus.vn/ket-thuc-chien-dich-so-tan-lao-dong-viet-tai-libya-bang-chuyen-co/275656.vnp