1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hưởng lợi khi tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục: Vẫn còn nhiều vướng mắc

“Thời điểm đủ 05 năm liên tục: từ ngày…/…/…..” trên Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong 2 điều kiện để người bệnh được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo quy định của Luật BHYT sửa đổi.

Vậy nhưng, nhiều người dân đã bỏ qua điều này một phần vì không biết, một phần vì chính thủ tục xét duyệt còn khá phức tạp.

Người dân bỡ ngỡ

Tham gia BHYT đã hơn 10 năm nay, chị Đỗ Thanh Hải (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thấy trên Thẻ BHYT của mình có dòng chữ “Thời điểm đủ 05 năm liên tục: từ ngày 26/4/2015”. Vậy nhưng, khi được hỏi về ý nghĩa của dòng chữ này thì chị Hải lại rất mơ hồ. Chị cho rằng, đơn thuần chỉ là cái mốc đánh dấu thời gian tham gia BHYT.

Thậm chí, anh Lê Trọng Hiếu (quận Hai Bà Trưng) dù tham gia BHYT bắt buộc đã gần 9 năm, nhưng còn không để ý là có dòng chữ chứng minh thời gian tham gia 5 năm liên tục trên Thẻ BHYT. “Cả năm chẳng đụng đến Thẻ BHYT nên cũng chẳng để ý xem ghi như thế là có ý nghĩa gì” - anh cho biết.

Hưởng lợi khi tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục: Vẫn còn nhiều vướng mắc - 1

Khi được giải thích đây là một trong 2 điều kiện để được hưởng 100% chi phí KCB thì cả anh Hiếu và chị Hải đều ngạc nhiên. “Ấy vậy mà bao nhiêu năm nay tham gia BHYT, cán bộ thu tiền cũng chẳng giải thích gì cho chúng tôi” - chị Hải bày tỏ.

Cũng do “bỡ ngỡ” về Luật BHYT, anh Nguyễn Nam H. (quận Long Biên) chuyển công tác từ quận Tây Hồ về một quận khác trong nội thành Hà Nội, tính tổng thời gian tham gia BHYT liên tục đã 12 năm nhưng trên Thẻ BHYT lại không có dòng chữ chứng minh điều này. Anh H. chỉ phát hiện ra khi thấy Thẻ BHYT của nhiều đồng nghiệp trong cơ quan có dòng chữ như vậy.

Lúc đó, anh mới tìm hiểu và biết được quyền lợi của mình bị bỏ sót. Khi được hỏi lý do thời gian tham gia BHYT ở địa bàn Tây Hồ trước đó của anh không được tính thì được nhân viên thu trên địa bàn giải thích là “do hệ thống dữ liệu chưa được cập nhật”. Như vậy, nếu có cùng chi trả số tiền KCB trong năm lớn hơn 6.900.000 đồng thì anh H. cũng không được hưởng quyền lợi 100% do thiếu “yếu tố 5 năm”.

Thủ tục phức tạp

Trong trường hợp người sử dụng thẻ BHYT đạt “chuẩn” 2 yếu tố 5 năm liên tục và cùng chi trả sẽ được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”. Theo quy định, hồ sơ để cấp “giấy phép” này phải có bản chính hóa đơn, biên lai thu tiền cùng chi trả 5% hoặc 20% của người bệnh từ đầu năm, trường hợp người bệnh làm thất lạc bản chính thì nộp bản chụp có xác nhận của cơ sở KCB hoặc bảng kê chi phí KCB.

Vậy nhưng, trên thực tế, số tiền cùng chi trả đối với những người tham gia BHYT mỗi lần KCB thường không cao. Hơn nữa, do nhiều người không nắm rõ quyền lợi này nên không chú ý đến việc lưu lại hóa đơn sau mỗi lần khám bệnh. Bà Phùng Hồng Thái (quận Đống Đa) cho biết, bà bị u vú đã 3 năm nay, tháng nào cũng phải đi viện, số tiền đồng chi trả không nhỏ nhưng do không biết quy định nên cũng chẳng lưu lại hóa đơn. “Giờ mới biết, đi xin bảng kê chi phí của bệnh viện thì “phức tạp” lắm” - bà Thái chia sẻ.

Có lẽ vì còn nhiều vướng mắc, đồng thời do số người hiểu Luật còn ít nên trong năm 2015, số “giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” được cấp ra còn rất ít. Ông Phạm Duy Đỉnh - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) quận Đống Đa cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, BHXH quận Đống Đa mới chỉ cấp có 1 “giấy phép” như thế. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội, BHXH TP đã có công văn hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận cho các đơn vị trên địa bàn.

Theo đó, người dân chỉ cần đến cơ quan BHXH nơi mình tham gia nộp hồ sơ và nhận kết quả tại đó chứ không cần lên tận BHXH TP. Do phải có thời gian giám định hồ sơ nên nhanh nhất là một ngày và chậm nhất là 10 ngày, người dân sẽ được trả kết quả. Ông Hòa còn cho biết, thời gian tới, BHXH TP sẽ đẩy mạnh kết nối công nghệ thông tin với các đơn vị cơ sở để liên thông dữ liệu, hạn chế các giấy tờ hồ sơ, giảm phiền hà cho người dân. Với những đối tượng tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên nhưng trên Thẻ BHYT không có dòng chữ chứng nhận thì nên yêu cầu cấp đổi lại thẻ để quyền lợi của mình không bị bỏ sót.

Theo Luật BHYT sửa đổi, từ 1/1/2015, các trường hợp người có Thẻ BHYT đã tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên, có số tiền cùng chi trả chi phí KCB đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 6.900.000 đồng) thì sẽ được hưởng 100% chi phí KCB. Quy định này chỉ được tính trong một năm dương lịch. Hiện nay, các trường hợp người bệnh mắc các bệnh mãn tính như ung thư, thận nhân tạo, tim mạch… thì các chi phí KCB BHYT là rất cao, nhất là từ 1/3 tới khi giá dịch vụ y tế tăng. Do đó, quy định này là thực sự cần thiết. - Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội

Theo Báo Kinh tế đô thị