Có đào tạo “gà nòi” trong Kỳ thi tay nghề Asean?
(Dân trí) - Việt Nam có năng suất lao động thua xa các nước trong khu vực như Singapore, Malayxia, Thailan. Nhưng trong Kỳ thi tay nghề Asean lần thứ 10 được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Việt Nam đã đoạt giải nhất. Vậy, phải chăng đây là kết quả đào tạo theo kiểu “trường chuyên - lớp chọn” hay “gà nòi”?
Thắc mắc này được đặt ra với Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) Dương Đức Lân trong cuộc tọa đàm mới đây do Cổng thông tin điện tử Chinh phủ tổ chức tại Hà Nội.
Ông Dương Đức Lân cho biết: Đoàn thí sinh Việt Nam đã thắng thuyết phục trong Kỳ thi tay nghề Asean lần thứ 10 với 15 huy chương vàng, đứng thứ nhất. Trong khi nước đứng thứ nhì là Malaysia chỉ có 9 huy chương, các nước còn thấp hơn nữa.
Đây là lần thứ 3, Việt Nam đoạt giải nhất trong Kỳ thi tay nghề Asean.
Câu chuyện giữa nâng suất lao động và kết quả cuộc thi phần nào cho thấy một nghịch lý đang phải suy nghĩ. Nhưng chắc chắn đây là không có chuyện “gà nòi”. Trong cuộc thi tay nghề này, không có chuyện trường chuyên hay lớp chọn nào cả.
Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH)Cả nước hiện có 170 trường CĐ nghề, 306 trường Trung cấp nghề và 990 trung tâm dạy nghề. Để được đứng trong Đội tuyển thi tay nghề Asean của Việt Nam, các thí sinh được lựa chọn trung thực nhất từ các cuộc thi tay nghề cấp tỉnh, cấp ngành tới cấp Quốc gia. Mỗi nghề được chọn ra 2 người xuất sắc nhất để đi thi.
Như vậy, các thí sinh đứng trong đội tuyển thi tay nghề Asean đều là những người giỏi nhất đã vượt qua các cuộc thi trong nước. Điều này phản ánh trình độ đào tạo nghề của các trường nghề trong cả nước.
Các nước khác cùng làm vậy. Đây không phải là câu chuyện nuôi “gà nòi”. Điều này thể hiện trình độ nghề của các trường nghề.
Nhìn về sự phân bố 15 huy chương vàng mà đoàn Việt Nam có được, không phải các thí sinh đoạt huy chương vàng đều tập trung ở Hà Nội hay TPHCM. Các em đến từ nhiều trường ở Lạng Sơn, Ninh Bình, Vĩnh phúc, Hà Nam, Đồng Nai…
Các trưởng đoàn của nhiều nước tại Kỳ thi tay nghề Asean lần này đều đánh giá chúng ta có sự khác biệt.
Hoàng Mạnh lược ghi
Vẫn có khoảng cách giữa đào tạo và thực tế tại thị trường lao động Ông Dương Đức Lân cho biết: Qua khảo sát, đa số các doanh nghiệp không phàn nàn nhiều về kỹ năng nghề của học viên mới ra trường. Điều họ lo lắng nhất lại là sự thiếu hụt các kỹ năng mềm của học viên. Cụ thể là kỹ năng làm việc nhóm, khả năng sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình, tính kỷ luật và tác phong công nghiệp. Với vấn đề độ chênh giữa đào tạo và thực tế doanh nghiệp. Tôi cho rằng không thể đất nước nào có sự phù hợp 100 % được. Doanh nghiệp luôn dùng công nghệ mới. Ngay cả khi học nhập máy móc, công nghệ mới, người công nhân của họ cũng phải học lại để tiếp cận được. Ở Việt Nam, các chương trình khung dạy nghề đã rút ngắn hơn nhiều do doanh nghiệp giúp phân tích. Tuy nhiên, chương trình khung cũng phải có thời gian dài 4-5 năm mới thay đổi lại. Trong khi đó, công nghệ đã thay đổi nhiều. Học viên sau khi tốt nghiệp ra trường phải qua quá trình tập sự vài tháng là điều đương nhiên. Thực tế tại Kỳ thi tay nghề Asean lần thứ 10 đã chứng minh. Tại nội dung thi nghề Công nghệ ô tô ở trình độ rất cao, các xe BMW và Camry năm 2014. Nếu thợ nào chỉ quen sửa xe ở các dòng xe năm 2012 thì sẽ khó khăn do những cải tiến mới. Mà muốn vậy thì thợ cũ mới đều phải học lại.