Hồn nhiên tuyển dụng và dẫn người vượt biên trái phép
Được ông chủ nhờ vả và hứa tăng lương sau khi tuyển giúp lao động, Cường hồ hởi về nước dán tờ rơi công khai tuyển người và đưa họ hàng, làng xóm vượt biên trái phép…
Mục đích giản đơn
Nhận thấy công việc mang lại thu nhập khá hơn so với công việc tương tự ở Việt Nam do chênh lệch về tỉ giá, Nguyễn Mạnh Cường (SN 1985) bám trụ tại Quảng Đông (Trung Quốc) để làm việc cho một cơ sở tư nhân sản xuất đồ thủ công có lương khoảng 1.500 Nhân dân tệ mỗi tháng.
Do hiền lành lại thật thà, Cường sớm nhận được ưu ái và tin cẩn từ ông chủ xưởng: “Mấy lần ông chủ bảo tôi tuyển người nhưng tôi từ chối. Nghĩ lại, thấy công việc cũng được mà ông chủ lại hứa tăng lương nên cũng nghĩ đánh bạo một chuyến…”.
Nhân tiện chuyến về quê ăn Tết Nguyên đán và được ông chủ nhờ tuyển giúp 40 lao động Việt Nam với lời hứa đưa được người sang, Cường sẽ được tăng lương thêm 500 Nhân dân tệ mỗi tháng.
Mới về nước hôm trước, hôm sau Cường đã làm tờ rơi tuyển lao động với số điện thoại rõ ràng. Cẩn thận hơn, Cường còn đăng kèm cả số điện thoại của bố và mẹ kế để mọi người tiện liên lạc nếu như Cường không bắt máy.
Về phần người dân địa phương, thấy Cường bản chất đáng tin lại trông rõ thấy sự khấm khá của gia đình Cường từ ngày Cường đi “xuất khẩu” nên chẳng mấy chốc thôn xóm đã xôn xao. Sẵn thời kỳ nông nhàn, thấy mức lương hấp dẫn yêu cầu lại không cao nên 20 người, chủ yếu là người thân và hàng xóm của Cường tìm đến xin đi cùng ra nước ngoài.
Tết xong, cuối tháng 2/2013, Cường đưa số người trên đến một bến đò trên sông Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh). Tại đây, Cường nhờ một nam giới (không rõ lai lịch) đưa 20 người cùng quê sang Trung Quốc, còn anh ta ở lại Việt Nam. Không may, khi đến Đông Hưng (Trung Quốc) thì nhóm người vượt biên đã bị công an nước bạn bắt giữ.
“Đời không như mơ”
Đó là lời đầu tiên cô Nguyễn Thị Thu Thanh (SN 1972) nói về “chuyến công tác dài ngày” của mình tại xứ lạ. Dù sự việc đã xảy ra khá lâu nhưng với cô nó đã trở thành chuỗi ngày ám ảnh. “Suôn sẻ rồi sẽ ra sao thì không bàn nhưng biết bị giam hãm khổ cực, ăn uống thiếu thốn thì lương tháng cao thế, cao nữa cũng ở nhà” - cô cười ái ngại nhớ lại chuỗi 49 ngày bị bắt giữ tại xứ người.
Cho đến giờ, khi cô đã trở về địa phương, có công ăn việc làm ổn định nhưng bản thân vẫn luôn mệt mỏi bởi phải trải qua khoảng thời gian dài hoảng loạn, hoang mang.
Người phụ nữ này bộc bạch: “Đến như chồng ở nhà, lo quá còn bán xe tính đi chuộc vợ. Khắp làng trên xóm dưới ai cũng biết cái xe nhà vừa mua 26 triệu, chưa đi được một tháng đã bán 15 triệu để gom tiền…”.
Đại diện cho nhóm người có quyền lợi liên quan, cô Thanh thuật lại rành rọt chuyến đi của 20 người được đưa đến Móng Cái, Quảng Ninh để hôm sau xuất cảnh sang Trung Quốc.
Theo đó, khi vượt sông sang bên kia biên giới, Cường tách khỏi đoàn. Còn lại được 2 xe ô tô loại 10 chỗ do người Trung Quốc điều khiển chở sâu vào nội địa. Vừa đi đến địa phận huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, đoàn người đã bị công an địa phương của Trung Quốc kiểm tra, bắt giữ, rồi đưa về trại giam.
Vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi, cô thảng thốt kể: “Chúng tôi không biết tiếng nên không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Do bị đưa đi xét nghiệm máu, chụp X quang, lấy dấu vân tay, ghi lời khai nên mọi người đều hoảng sợ. Từng nhóm từ 12 đến 15 người bị nhốt vào các phòng riêng biệt. Chỉ duy nhất một người bị viêm gan B và tật ở chân do tai nạn được trả tự do. Còn lại, suốt thời kỳ đó, mỗi bữa chỉ được 1 bát cơm trộn lẫn rau, đồ ăn thừa”.
Vẫn theo cô cho hay, do tâm lý lo sợ lại ăn uống không đầy đủ, sau 7 tuần bị giam giữ, cô đã sụt cả chục kilôgam.
Chỉ 3 ngày sau khi 20 người rời khỏi Quảng Ninh, thông tin về chuyến đi bất thành đã được chính thành viên trong đoàn xác nhận. Cô Nguyễn Thị Xuyến (SN 1985) kể, khi tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, Cường nói đã có người bảo lãnh việc di chuyển; người đi không phải làm bất cứ thủ tục gì, chi phí đi đường khoảng 3 triệu đồng nhưng trước mắt mọi người ứng trước ít nhất 500.000 tiền xe, thừa thiếu đâu sẽ trừ vào lương”.
Và chỉ đến khi anh Nguyễn Văn Dương cùng đoàn được trả tự do kể về việc tất cả đã được đưa đi xét nghiệm. Anh bị viêm gan nên được về trước thì mọi người bắt đầu lo ngại về việc Cường liên quan đến “đường dây” lừa đưa người sang Trung Quốc để bán nội tạng. Thậm chí có một vài đối tượng còn lợi dụng hoàn cảnh đó để đe dọa, gọi điện đòi tiền chuộc.
Trước hàng loạt thông tin chưa được kiểm định, nhiều gia đình đã gửi đơn trình báo, đề nghị Công an thành phố Hà Nội và Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an vào cuộc.
Dù cơ quan chức năng đã định hướng dư luận, thông báo tình trạng sức khỏe của số công nhân xuất cảnh trái phép, nhưng người dân địa phương chỉ thở phào nhẹ nhõm khi thấy 19 người bị giam giữ được trả tự do nguyên vẹn.
Ván cược rủi may
“Quanh quẩn cũng không xa lạ gì” đó là lý do hết sức đơn thuần khiến 20 người đặt niềm tin, sinh mệnh của bản thân vào chuyến đi xa xôi ấy. “Cường là người địa phương, ai cũng biết cậu ấy tốt” – cô Thanh dịu giọng khi nhắc đến tuổi thơ Cường sớm mất mẹ từ năm lên 6, hình ảnh cậu bé gầy tong teo sớm bươn trải chẳng còn lạ lẫm với những người chạc tuổi cô.
Theo tìm hiểu, mãi đến khi không đỗ cấp 3, Nguyễn Mạnh Cường mới ở nhà làm ruộng, ít lâu sau y sang Quảng Đông (Trung Quốc) làm việc. Sau 6 năm làm việc ở đất khách quê người, số tiền Cường gửi về đã xây được cho bố căn nhà khang trang, lại hỗ trợ cho 3 anh chị em Cường cuộc sống vật chất đủ đầy.
Lo toan kinh tế toàn gia đình xong xuôi, Cường mới chịu lấy vợ ở tuổi 31. Thế nhưng, gia đình nhỏ mà Cường là trụ cột chưa kịp “bếp ấm, con đông” thì Cường lại mắc lệnh truy nã.
Tại phiên xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, người đàn ông 31 tuổi nói: “Bị cáo đưa người sang với mục đích giúp họ có việc làm, hàng xóm tìm việc giúp nhau tăng thu nhập nhưng vì không hiểu biết pháp luật mà sơ xuất không may”.
Nhiều nạn nhân cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho Cường: “ở làng ai cũng rõ Cường là lao động chính, mới lấy vợ mà mải làm, cứ đi mãi nên chưa kịp có con. Về phần chúng tôi cũng chỉ mới mất 500.000đ hoặc 1 triệu thì cũng không to tát quá. Mà gia đình Cường cũng tính trả lại rồi nên mong toà xem xét để Cường được về với gia đình” - Cô Thanh đại diện nhóm có vai trò bị hại phát biểu trước toà.
Nghị án, thay vì trách móc hay quở mắng, những người bị hại có mặt tại pháp đình hôm đó đều đứng quây quần, động viên người người vợ trẻ sớm xa chồng: “Nhà tôi ở mãi Quảng Ninh nhưng cũng là vùng nông thôn nghèo. Tôi và anh Cường bén duyên nhau bởi những ngày làm công nhân chung xưởng bên Trung Quốc.
Chuyện anh giúp chủ xưởng tìm người là có thật, chủ xưởng nhờ anh nhiều lần tôi cũng biết nhưng lần này anh đồng ý là vì muốn tăng lương chứ không phải buôn bán người hay được đồng môi giới nào cả. Vậy mà không ngờ lại đến nông nỗi này…” – Chị Dương Thị Hồng (SN 1991) thút thít kể lại.
Với sự cảm thông của người phụ nữ, bà Phạm Thị Thuý Oanh, với vai trò là đại diện Viện Kiểm sát nhẹ nhàng sẻ chia: “Nếu sự thật như vậy thì Cường đúng là người tốt, anh chỉ nghĩ đến việc tạo điều kiện công việc cho dân làng mà không vụ lợi. Nhưng như vậy cũng là do không hiểu biết pháp luật để rồi đánh đổi bằng bản án, bằng sinh mệnh chính trị của chính mình… thật đáng tiếc”.
Cân nhắc kỹ lưỡng, hội đồng xét xử tuyên bị cáo Nguyễn Mạnh Cường 24 tháng tù treo về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài…
Theo Hạnh Lê/Báo Pháp luật VN