1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hơn 7.600 trường hợp xuất cảnh "chui"

Hoài Sơn

(Dân trí) - Theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, trong 6 tháng đầu năm, có 7.650 trường hợp xuất cảnh trái phép, xác định 115 trường hợp bị mua bán qua biên giới.

Bộ Ngoại giao vừa phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) tại Đà Nẵng.

Hơn 7.600 trường hợp xuất cảnh chui - 1

Ông Nguyễn Minh Vũ - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (bên trái) tham dự hội nghị vào ngày 9/12 (Ảnh: Hoài Sơn).

Tại hội nghị, đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, thời gian qua, mặc dù di cư quốc tế đã phục hồi trở lại nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng di cư qua các kênh không chính thức, nạn đưa người di cư trái phép và mua bán người vẫn diễn biến phức tạp.

Trên thực tế, vẫn diễn ra tình trạng công dân Việt Nam di cư trái phép ra nước ngoài qua đường mòn, đường tiểu ngạch để làm việc, phá hợp đồng lao động, bỏ trốn ra ngoài làm việc trong thời gian đi làm việc ở nước ngoài.

Nhiều trường hợp công dân bị lừa đảo di cư ra nước ngoài để làm việc trong các sòng bài trực tuyến, cơ sở game online hay học tập nhưng thực chất là để lao động dưới danh nghĩa thực tập sinh.

Đặc biệt, năm nay, tiếp tục nổi lên vấn đề công dân Việt Nam bị lừa đảo đi lao động tại Campuchia trong các sòng bạc, cơ sở kinh doanh game trực tuyến.

Tình trạng này diễn ra tại hầu hết các địa phương, nhiều nhất là tại Lào Cai, Thanh Hóa, Long An, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Tuyên Quang.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng công dân Việt Nam bị đưa đi di cư trái phép giữa các nước Châu Âu với phương thức thủ đoạn đưa người di cư khá đa dạng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 7.650 trường hợp xuất cảnh trái phép, chủ yếu qua đường bộ (1.654 trường hợp).

Xác định 115 trường hợp nạn nhân bị mua bán qua biên giới, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em trong độ tuổi từ 16 đến 28, cư trú ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.

Đa số nạn nhân có trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội và pháp luật hạn chế, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mong muốn tìm việc làm với thu nhập cao, dễ tin người, thích đi du lịch, khám phá. Từ đó, dễ bị dụ dỗ, lừa gạt hoặc đe dọa, khống chế để bán ra nước ngoài.

Tội phạm mua bán người xảy ra chủ yếu ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa như Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Trung Bộ.

Ông Nguyễn Minh Vũ - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá, những biến động nhanh chóng của di cư quốc tế trong thời gian qua đặt ra thách thức mới, đó là làm thế nào để hạn chế các tác động bất lợi xảy ra nhằm bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn.

Đối với Việt Nam, dù việc triển khai thực hiện Thỏa thuận GCM diễn ra vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng các địa phương cơ bản tích cực, chủ động triển khai thực hiện với sự nghiêm túc, khẩn trương, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ.

Về việc triển khai Thỏa thuận GCM cũng như giải quyết các vấn đề di cư, Trợ lý Bộ trưởng cũng khẳng định quan điểm của Việt Nam là luôn ủng hộ cách tiếp cận mở, bao trùm, công bằng và toàn diện về di cư cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.