Hơn 51.000 lao động nước ngoài ở Việt Nam đã tham gia BHXH

(Dân trí) - Theo BHXH VN, từ khi Nghị định số 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực tới nay, khoảng 64% trong số hơn 80.000 người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc. Tổng số tiền tham gia BHXH là 100,792 tỷ đồng.

Trao đổi với báo giới, ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu, BHXH VN cho biết: “Sau 3 tháng, kể từ khi Nghị định số 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, tổng số đơn vị tham gia BHXH cho người nước ngoài trên toàn quốc là 8.730 đơn vị với số lao động là 51.524 người”.

Số liệu của BHXH VN cho thấy, cả nước có khoảng trên 80.000 NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động.

BHXH.jpg

Tới nay, hơn 64 % lao động nước ngoài đóng BHXH tại VN. (Ảnh có tính minh hoạ)

“Như vậy, chỉ sau hơn 3 tháng triển khai Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, đã có trên 64% lao động thuộc đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc. Đây là kết quả khá khả quan đối với việc triển khai một chính sách mới” - ông Đinh Duy Hùng cho biết.

Thống kê của BHXH Việt Nam, đến ngày 28/2, tổng số tiền đóng BHXH của lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên cả nước là 100,792 tỷ đồng. 

Theo ông Đình Duy Hùng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, việc Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài là cần thiết.

“Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, góp phần tạo ra sự bình đẳng giữa lao động trong nước với lao động nước ngoài, tạo tâm lý yên tâm làm việc cho người lao động. Đây là một yếu tố tích cực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút lao động chất lượng cao đến Việt Nam” - vị phó trưởng Ban Phó Trưởng Ban Thu, BHXH VN khẳng định.

Tuy nhiên, qua 3 tháng triển khai, việc thu nộp BHXH cho lao động nước ngoài cũng phát sinh một số vướng mắc. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã ghi nhận một số vướng mắc của doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài.

Mặc dù Nghị định số 143/2018/NĐ-CP đã có hiệu lực thi hành từ 1/12/2018, nhưng vẫn không chưa có Thông tư hướng dẫn.

“Về rào cản về ngôn ngữ. Người lao động là công dân nước ngoài đến Việt Nam làm việc từ rất nhiều quốc gia với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Do đó, chữ viết của họ trên hồ sơ, giấy tờ tùy thân chỉ có chữ viết nước ngoài, dẫn đến khó khăn trong giao dịch BHXH” - ông Đinh Duy Hùng cho biết.

Ngoài ra, nguy cơ đóng trùng 2 lần BHXH có thể xảy ra. Theo đó, trong một số trường hợp, lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc có thể đã tham gia BHXH tại nước sở tại.

Theo Ban Thu (BHXH VN), để khắc phục điều này, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về BHXH để tránh tình trạng đóng trùng BHXH.

Bên cạnh đó, BHXH VN cũng đang chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động để nắm bắt số lượng người lao động nước ngoài thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài thực hiện tốt quy định về thu đóng BHXH.

“Theo quy định tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, từ ngày 01/12/2018 người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đây là lần đầu tiên pháp luật của Việt Nam có quy định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Việc đóng BHXH bắt buộc đối với đối tượng này được thực hiện theo lộ trình đóng vào từng quỹ thành phần” - ông Đinh Duy Hùng cho biết.

Hoàng Mạnh